Phép màu

Có phép màu không ? Và khi nào thì phép màu xảy ra ? Đó thực sự là một câu hỏi triết học.
Quan niệm phổ biến là : Không thể có phép màu vì nó trái ngược với quy luật của thiên nhiên. Nhưng trên thực tế vẫn có vô số điều kỳ diệu diễn ra mà con người không thể giải thích, đành phải gọi nó là ‘’Phép màu”. Nó thực sự rất phổ biến với từng cá nhân, ví dụ rất nhiều người thoát chết bởi những tai nạn khủng khiếp đến nỗi anh ta tin rằng chính phép màu đã cứu giúp mình, hoặc gặp một may mắn bất ngờ (trúng số độc đắc chẳng hạn) không thể giải thích bằng khoa học hay các quy luật vật lý… đôi khi nó xảy đến với một quốc gia hay một dân tộc như người Do Thái chẳng hạn.
Con người vẫn băn khoăn về sự hình thành của vũ trụ và trái đất, một số đi cắt nghĩa bằng vật lý, phần đông thì tin hoặc nửa tin nửa ngờ rằng trái đất được tạo ra bởi Đấng Toàn Năng, rằng Ngài tạo ra trái đất và muôn loài và đồng thời cũng tạo ra các quy luật (trong đó có luật pháp). Đến đây thì có một vấn đề: Nếu có phép màu thì nó không phải do con người tạo ra, nói một cách khác, phép màu là cách mà Thượng Đế can thiệp vào đời sống con người. Và nó dẫn đến câu hỏi: Như vậy Ngài đã làm trái với các quy luật tự nhiên mà Ngài đã đưa ra hay sao ?
Bất cứ ai có một hiểu biết tương đối về Kinh Dịch đều biết rằng, phép màu là một cơ chế được định trước và nó sẽ xảy ra khi có những điều kiện cụ thể, trong một thời gian và không gian cụ thể để can thiệp vào đời sống, đó là chữ ‘’Thời’’. Những điều kiện cụ thể ấy là gì ? Dịch tổng kết ngắn gọn : Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa. Nói một cách khác, phép màu không đi trái với quy luật Thiên nhiên.
Một định đề mà các triết gia đều đồng ý rằng, tất cả mọi vấn đề triết học sẽ được giải quyết nếu ta tìm ra được cơ cấu thời gian, mối liên hệ giữa không gian và thời gian. Từ khi Einstein tìm ra Thuyết tương đối, con người đã bắt đầu suy nghĩ khác, rồi thuyết cơ học lượng tử, đặc biệt là Định luật thứ hai của nhiệt động lực học (một quy luật chi phối các sự kiện mà không phá vỡ bất cứ một quy luật cơ bản nào của vũ trụ) với khái niệm ‘’entropy’’ áp dụng trong đời sống chính trị xã hội. Khái niệm entropy, giống như nhiều khái niệm khác trong vật lý (chẳng hạn như khối lượng hoặc năng lượng) không có một định nghĩa rõ ràng, nó có thể được xem như mức độ ngẫu nhiên của một hệ thống, số lượng các trạng thái có thể xảy ra, hoặc một thước đo của việc che giấu thông tin.
Các triết gia, giáo sỹ người Do Thái đã có một kết luận cực kỳ quan trọng :
‘’Thực tế rằng mọi thứ đã từng được tạo ra trong thực tế là toàn bộ thông tin ở dạng này hay dạng khác. Đó là lý do tại sao không có sự phân chia giữa tinh thần và vật chất ở cấp độ cơ bản nhất’’.
Nói một cách khác các quy luật tự nhiên cho phép tạo ra một số lượng lớn các trạng thái vi mô trong khi trạng thái vĩ mô hầu như không thay đổi đối với con người. Điều đó đã đưa đến một giả thuyết :
“Sự thật về sự tồn tại của những phép lạ được thực hiện bởi Đấng Toàn Năng đóng một vai trò quan trọng trong việc suy đoán về sự quan phòng của God và câu hỏi liệu thế giới của chúng ta có phải là một thế giới xác định hay không. Đấng Toàn Năng có thể sử dụng các hệ thống hỗn loạn để điều khiển thực tại của chúng ta trong khi che giấu chúng ta sự thật rằng nó đang được điều khiển”.
Những chân lý này đều được chép trong cuốn sách cực kỳ quan trọng của Do Thái giáo, đó là ‘’Kinh Kabbalah” – và nó rất gần với những điều được Kinh Dịch nói tới, thế giới thay đổi hay phép lạ xảy ra là do hào trong quẻ tích tụ đến một mức nào đó sẽ quyết định các sự kiện xảy ra trong tương lai. Tóm lại, nói theo ngôn ngữ hiện đại những phép màu đòi hỏi việc tạo ra các hệ thống có khả năng xử lý khối lượng thông tin vô cùng lớn. Như vậy, ta có thể giải thích được cơ chế cho các “phát minh khoa học” làm thay đổi nhân loại, ví dụ computer.
Phép màu còn có thể hiểu là sự biến hoá. Dịch nói:”Cùng tắc biến, biến tắc thông”
Bất cứ vật (sự việc) nào di chuyển (dịch) thì đều có sự thay đổi, khoa học ngày nay phát hiện rằng kể cả những vật đứng yên thì trong lòng nó cũng có sự chuyển động của các hạt vật chất.
Thực ra, khái niệm “biến” của Dịch có tính chất đặc thù kém phổ quát hơn nhiều. Lão Tử giải thích : “Đi lên đến tận cùng không xuống được gọi là liên, đi xuống đến tận cùng không lên được gọi là lưu”. Lưu, liên là hiện tượng chỉ một sự vật dịch chuyển đến cùng cực, đến trạng thái bất động như một động cơ hết nhiên liệu, tù hãm, bí bách dường như không thể thoát ra, bao trùm lên một quy mô rộng lớn cả trong tự nhiên và xã hội. Nó đi ngược lại quy luật vận động của vũ trụ vì thế không thể tồn tại lâu dài (vũ trụ bất động sẽ chết). Nói cách khác, tình trạng tù đọng của nội lực sẽ không thể thắng chính bản thân nó và do vậy tự nhiên sẽ can thiệp bằng một tác động ngoại cảnh làm cho nó biến đổi. Ví dụ : thiên tai, lụt bão, dịch bệnh, chiến tranh, khủng hoảng, những chương trình nghị sự của các cường quốc vv…”biến” này có quy mô lớn, ảnh hưởng đến toàn bộ hành tinh nên con người chỉ có thể nói về nó khi biến đã xảy ra.
Phép màu là lĩnh vực vượt quá tầm hiểu biết của con người, vì vậy họ chọn cho mình một ông chủ qua các huyền thoại, thần thoại và tôn giáo. Suy cho cùng, đây là một lựa chọn khôn ngoan đem lại nhiều lợi ích mà không có thiệt hại gì. Nếu cả đời cứ băn khoăn về các vấn đề siêu hình ấy thì thời gian đâu mà sinh sống, mà làm lụng, mà hưởng thụ niềm vui hạnh phúc trần thế. Và tất nhiên cũng có những người chọn thái độ vô thần nhưng ta thấy rằng chẳng có người nào vô thần đến tuyệt đối, những kẻ báng bổ thánh thần nhất khi đau đớn hoặc tuyệt vọng họ cũng sẽ ngửa mặt lên kêu Trời một cách vô thức. Chỉ là thảm hoạ khi vô thần là những kẻ duy vật hợm mình nếu ta xét kỹ thái độ vô thần sẽ dẫn dắt con người đi về đâu.
Con người nhìn Thượng Đế một cách tổng quát. Nhưng con người lại gán cho Ngài những nhân tính dù tin rằng Chúa tạo ra mình theo hình ảnh của Ngài. Nhưng Chúa sau khi nhìn loài người như một tổng thể quần tụ dưới chân mình thì ngay lập tức Ngài đã nhìn đến từng cá nhân, riêng biệt, duy nhất và không có ai là vô ích hay thừa thãi.
Khi từ bỏ niềm tin tôn giáo, từ bỏ Chúa con người không biết làm cách nào hoặc có ai để bênh vực các quan niệm của mình một cách thuyết phục. Không giải quyết nổi những câu hỏi to tát nhất về thân phận con người, thì chỉ còn một con đường hèn nhát là : “Không nghĩ ngợi đến nó nữa” – và các chế độ chuyên chế ra đời – vì không còn những thắc mắc siêu hình là đặc điểm lớn nhất của một một xã hội dễ bị kiểm soát.
Một trạng thái như thế sẽ làm cho tâm hồn bị mềm yếu. Nó làm cho ý chí con người chùng xuống và nó chuẩn bị cho các công dân sống trong thân phận nô lệ. Khi đó con người không chỉ để cho tự do của mình bị tước đoạt họ còn đem tự do của mình đi giao nộp. Một triết gia nói : “Khi con người tháo bỏ một xiềng xích cho mình thì ngay lập tức họ lại đi rèn một cái gông cùm mới”. Hay nói cách khác, không còn đức tin nguyên thủy được nuôi dưỡng bởi huyền sử, truyền thuyết, ca dao, Kinh sách… một dân tộc không còn tín ngưỡng sẽ trở nên yếu đuối và trở thành một dân tộc nô lệ.
Lợi thế to lớn nhất của các tôn giáo là gợi lên những khả năng hoàn toàn ngược lại.
– Không có tôn giáo nào lại không đặt các ham muốn tinh thần cao quý của con người lên trên những lợi ích thế gian.
– Không một tôn giáo nào lại không nâng một cách tự nhiên tâm hồn con người tới những miền cao hơn so với những miền dục vọng.
– Cũng chẳng có tôn giáo nào lại không áp đặt cho từng con người những nghĩa vụ phải thực hiện cho loài người hoặc cùng thực hiện chung với loài người.
Vậy là một cách tự nhiên những dân tộc có tín ngưỡng đều trở nên mạnh mẽ ở đúng lúc và đúng chỗ khi dân chủ bị tấn công hoặc yếu kém.
Một dân tộc tự do chẳng khi nào lại chịu đựng được cảnh hoàn toàn thiếu vắng tôn giáo và hoàn toàn tự do chính trị trong cùng một lúc.
Nếu con người không có niềm tin, thì họ phải có nghĩa vụ, và nếu có niềm tin thì họ có tự do.
Đó là lý do mà thế giới này cần đến Phép Màu.

Bài Viết Liên Quan

Văn minh hồi giáo

Chính phủ Mỹ ngày 22/4 tuyên bố tất cả những quốc gia và vùng lãnh thổ đang mua dầu Iran sẽ phải chấm dứt hoạt động này trước ngày 1/5

Tôi là thầy tướng số – Dịch Chi

Trích trong tiểu thuyết “TÔI LÀ THẦY TƯỚNG SỐ” – DỊCH CHI 1. Thuật trát phi là làm ảo thuật giả thần giả quỷ để lừa người 2. Thuật phong