Sân bay

Không bàn rộng gì về 20 năm chiến tranh ở Afghanistan, bài viết này chỉ nói về 2 tuần này ở loanh quanh cái sân bay Kabul có những gì xảy ra, và thử giải thích nguyên nhân của sự hỗn loạn khủng khiếp này.
Từ 26/8 một loạt các vụ đánh bom khủng bố xảy ra trong khu vực sân bay Kabul ở thủ đô Afghanistan. Số người chết hơn trăm (170 rồi), còn thương tích phải đến 1300 người. Có thương vong là người nước ngoài, trong đó ít nhất 13 lính Mỹ. IS nhận tráh nhiệm về việc đổ máu, tổng thống Mỹ Biden thè sẽ trả thù, còn Taliban đang đuổi đánh IS. Vậy tại sao mọi chuyện lại xoay quanh sân bay này thế?

Mỹ đã lún sâu vào nội chiến ở Afghanistan quá rồi, đỉnh điểm là thời Obama có tới 100 ngàn binh sĩ đóng quân ở đây, nên từ thời Trump đã có kế hoạch rút quân. Nhưng xin nhớ ngoài Mỹ còn NATO và nhiều nước khác cũng theo chân đưa quân sang đây, như Úc, New Zealand, nhất là Thổ Nhĩ Kỳ đi đánh thuê kiếm tiền. Thế cho nên việc Biden rút quân nhanh quá làm lệch hết lịch tình rút quân của các quốc gia khác, chẳng hạn Đức đã quyết trong Quốc hội là có đi đâu cũng phải sau 31/1/2022. Hơn nữa Biden không tính được chuyện “muốn nhanh thì phải từ từ” – đưa quyết định rút quân ồ ạt thế là quân chính phủ Afghanistan đầu hàng nhanh quá, Taliban tiến đánh chiếm (thực ra “chiếm” thôi chứ chả phải “đánh”) nhanh quá, nên hóa ra đến Mỹ cũng rút không kịp. Mà các nước này có mỗi đường rút là hàng không thôi, chưa kể hàng trăm ngàn người nước ngoài cũng như người Afghan có hộ chiếu, thị thực nước ngoài sẵn rồi, họ đại đa số quá sợ Taliban nên phải rút chạy bằng được. Mà họ thường là thành phần có tiền nhất trong xã hội nghèo đói Afghanistan…

Trước khi Taliban tiếp quản thủ đô thì sân bay Kabul đã đông đặc người “di tản” rồi. Muốn đi vào sân bay cũng phải qua rất nhiều cửa kiểm soát giấy tờ, xem có “xứng đáng” để cho vào trong không, nhưng rồi dân tình cũng tìm đủ mọi cách mà vào được, rất nhiều người có giấy tờ hợp lệ, có tiền, có hợp đồng lao động cho Mỹ, bằng khen huân chương của chế độ cũ… Đến khi Taliban xuất hiện họ bao vây thêm một lớp phía ngoài, và đưa người vào trong để cùng binh lính nước ngoài kiểm soát toàn bộ trật tự của khu vực này, thực ra cũng nhờ có quân lính và cái “uy” của Taliban mà tuy rất đông người nhưng không quá lộn xộn. Tuy vậy số bay được rất ít, người từ thủ đô hay nơi khác muốn tới sân bay để đi còn khó lọt vào trong hơn trước…
Phải nhớ rằng thu nhập trung bình của người Afghan là 2$/ngày. Taliban chiếm được đất nước thì sẽ mất đi nguồn tiền của Mỹ đang đổ vào, nhưng ngược lại có thể thu lợi thêm độ 1 tỷ/năm vì buôn bán thuốc phiện sẽ thuận lợi hơn, và cũng khoảng 1 tỷ nữa do bán “vị trí thuận lợi” của mình, thế thôi chứ các nguồn viện trợ của mấy nước Ả Rập, Pakistan sẽ không tăng, có thể còn bị cắt đi nữa. Thuế sẽ thu được, nhưng “hẻo” lắm, Trung Quốc là nước duy nhất hứa đầu tư vào khai khoáng nhưng nếu nó đầu tư tiền tỷ vào thì tiền thu được cỡ tầm trăm triệu thôi, còn lại đưa người với máy móc sang thì cái đó cũng không dễ “ăn” được đâu… Túm lại là Taliban vốn khát tiền thì càng khát, chưa nói tới phải đánh nhau với quân phương bắc đang cố thủ nữa! Trong khi đó bao nhiêu tiền, bao nhiêu người giàu lại tập trung cả ở sân bay này, mà Taliban trót để giữ thể diện nên chưa có cách nào thu được tiền cả… Đại diện CIA mới sang đàm phán, chắc cũng phải hứa hẹn cho Taliban cái quyền lợi kinh tế gì, thì chúng mới để yên cho lính Mỹ và người Mỹ nói chung có mặt tới hết 31/8…

Trong khi đó nơi này là chỗ làm tiền khủng khiếp. Người ta bắt đầu mất tiền ngay từ ngoài – chen nhau bẹp ruột, chi bao nhiêu cũng được miễn để lọt được vào phía trong. 40$/chai nước, 100$/đĩa cơm rang.Thỉnh thoảng lính Mỹ cũng đi phát khẩu phần ăn (kiểu cơm hộp) cho dân tị nạn tại sân bay, nhưng người Hồi giáo từ chối vì kêu là có thịt lợn. Người ta sẵn sàng bỏ ra 5000$-10000$/đầu người để đước bay đi (và xin nhớ là mới sang được sân bay nước khác, chẳng hạn Katar, Tashkent, Istambul… rồi sau đó có bay được tiếp hay không, hay vào trại tị nạn hay như thế nào còn rất phụ thuộc vào giấy tờ và khả năng tài chính của từng người. Giá để bọn buôn lậu dẫn người qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ thôi là 1000$/người, thế cho nên nếu bay được thế này cũng còn rẻ chán! Thử nhẩm tính xem “doanh số” một ngày ở quanh cái sân bay này lớn đến thế nào…Và bất chấp có Taliban canh gác người dân Afghan vẫn tấn công (theo nghĩa đen) để tràn vào sân bay (không vào được tòa nhà đâu, chỉ để vật vờ ở nơi sân đỗ) rồi sau đó tìm cách trèo lên được bất cứ máy bay nào bay đi bất cứ đâu! Từ 17/8/2021 Taliban tuyên bố sẽ dừng các chuyến bay để kiểm soát, nhưng rồi họ chỉ kiểm soát được một phần. Người Anh có vẻ nghiêm chỉnh nhất, và đã đưa hết công dân của mình đi thoát rồi, còn các nước khác đều còn cả (chưa kể lính), thế nhưng có lẽ chả có máy bay của hãng hàng không nước nào mà không tranh thủ để “đánh quả” – chả mấy khi có điều kiện nhồi được bao nhiêu khách thì nhồi, thu mỗi đầu người mấy nghìn rồi bay tới sân bay nước ngoài gần nhất quẳng họ xuống! Máy bay vận tải càng “ngon”, cứ ngồi sàn chứ lấy đâu ra ghế – ca sĩ hàng đầu của Afghanistan Aryana Sayeed cũng bằng cách này mới di tản được. Nga cũng “bất chấp nguy hiểm” cử sang tới 5, 6 chuyến bay “cứu trợ” – thực ra tranh thủ kiếm một mớ tiền. Truyền thông đưa tin một chiếc máy bay Ukraina bị “cướp” – về sau mới biết nó bay từ Kabul sang Iran chở theo rất nhiều người giàu có của sắc dân Shiit với rất nhiều vàng bạc, đá quý và ngoại tệ – họ đã “mua đứt” luôn chiếc máy bay này. Máy bay của các hãng khác cũng vậy thôi, ngoài việc ưu tiên cho “người mình” họ nâng giá vé đến cực điểm, còn đòi thêm tiền bên ngoài rất nhiều. Taliban “thèm” lắm, nhưng chót hứa với Mỹ là hết 31/8 rồi, tức là sang tháng 9 các nguồn lợi này sẽ phải vào tay Taliban, còn bây giờ tất nhiên họ sẽ cản trở để sao cho càng ít chuyến bay đi càng tốt. Người Mỹ thực dụng cũng muốn kiếm tiền – một công ty tư nhân của Mỹ đề nghị với chính phủ cho họ đứng ra lập cầu hàng không – họ sẽ bảo đảm an toàn từ sân bay Kabul cho người bay sang đến Mỹ với giá đổ đầu 6500$/người, nhưng tạm thời Biden chưa đồng ý…

Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria (ISIS) hay Nhà nước Hồi giáo (IS) – là một nhóm chiến binh Jihad, gồm các tay súng Hồi giáo cực đoan dòng Sunni cầm đầu các hoạt động không được công nhận ở Iraq và Syria. Trong tình trạng tự xưng và không được công nhận là một nhà nước độc lập, tổ chức này tuyên bố lãnh thổ của chúng bao gồm Iraq và Syria, với dự định tuyên bố lãnh thổ trong tương lai bao trùm cả khu vực Levant – tức cả Liban, Israel, Jordan, Syria, Síp và nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Với chúng ta thì quả khá khó phân biệt Taiban, Al Quada và IS – cùng Hồi giáo cực đoan, cùng sẵn sàng khủng bố và cùng khủng khiếp đối với thế giới văn minh. Ngắn gọn thế này: Taliban thì coi IS là “sản phẩm của Mỹ” nên sẵn sàng triệt hạ. Trong 3 thế lực ấy thì có thể coi Taliban là “tiến bộ” nhất, và Taliban “hướng nội” nhất (không đặt mục tiêu lan tỏa ra các vùng đất khác, mặc dù hành động thì có thể trái ngược với nguyên tắc này) – IS thì “hướng ngoại” nhất, có thể mọc mầm rồi phát triển ở bất cứ đâu, từ châu Phi cho tới châu Á. Và tình hình Afghanistan bất kể truyền thông có đưa tin thế nào thì còn ít đổ máu hơn Iraq vớ Syria nhiều. IS tuy không cùng đường với Taliban nhưng rất cần tìm một địa bàn ổn định (kiểu như Al Queda trước kia) và nay nếu Afghanistan thống nhất được, thì đây chính là miền đất hứa cho bọn chúng. Và để thể hiện sự hiện diện cũng như “trách nhiệm” của mình, không gì tiện hơn là ra tay đối với Mỹ và phương tây…
Tình báo tốt nhất là của Anh: vừa hôm trước Bộ trưởng Quốc phòng Anh thông báo là sẽ có khủng bố của IS thì hôm sau chúng đánh bom tự sát, mà nhằm ngay khu vực khách sạn gần sân bay, nơi người Mỹ và Anh hay tập trung ở đây để chờ tới chuyến bay (họ thì không khó để vào được sân bay khi có chuyến, sẽ có xe quân đội dẹp đường đưa vào). Thế mà IS vẫn đưa được cả chiếc ô tô chứa chất nổ vào đấy được chứng tỏ cũng có tay trong hỗ trợ. Mỹ và Anh tạo ra IS, IS quay lại “cắn” chính Mỹ và Anh cũng là chuyện bình thường trong thế giới Hồi giáo mà thôi. Mấy đòn đau đánh vào Mỹ và các đồng minh, nhưng trước hết IS làm thế vô tình hay cố ý cũng phá tan hảo ý của Taliban, đã “nhịn” lắm rồi cho tới ngày hôm nay. Tất nhiên Taliban điên tiết lên phải săn lùng IS thôi, theo họ thông báo thì còn chặn đứng được mấy vụ khủng bố nữa ở khu vực này. Còn dân Afghanistan (và người nước ngoài nữa) chưa di tản được thì vẫn bất chấp đắt đỏ, kể cả rủi ro bị khủng bố bởi IS, kể cả việc Taliban thỉnh thoảng bắn súng dẹp loạn vẫn cương quyết bám sát đường băng, tìm mọi cách để có thể “đu càng” theo nghĩa bóng hay thậm chí nghĩa đen của từ này.

Với tình hình hiện nay thì việc đưa được một số người đáng kể bay khỏi Kabul từ nay tới hết 31/8 là rất khó, chưa kể chắc chắn khủng bố sẽ còn xảy ra dù Taliban có cố ngăn chặn như thế nào. Rất khó đoán rằng sang tháng 9, khi nguồn thu khổng lồ đối với Taliban là “bán chỗ” cho người di tản sẽ do chính Taliban quản lý thì họ sẽ tổ chức thế nào, và các nước khác có xơ múi gì được ở đây không. Chứ “cầu” thì chắc chắn vẫn còn (mỗi năm khoảng 150 nghìn người dân Afghan chạy ra nước ngoài) – “cung” cũng chả thiếu, ví dụ Canada còn sẵn sàng nhận 20 nghìn người Afghan/năm cơ mà. Anh sẵn sàng nhận tới 100 nghìn người, nhưng mà chơi khó – phải nộp đơn tị nạn ở trong nước chứ không được chạy, thế này thì thôi người ta cứ chạy rồi tính sau… Người tị nạn Afghan sẽ vừa là nguồn lợi, vừa là quả bóng để các nước như Thổ và châu Âu, đặc biệt là Đức đá qua đá lại. Trong dòng người đó Taliban và IS sẽ có nhiều đại diện để hòa vào và đóng đô ở nước ngoài chờ thời.

 

Sau CCCP thì đến lượt Mỹ, 20 năm nay hành xử ở Afghanistan hệt như họ hành xử ở khắp nơi sau chiến tranh thế giới lần thứ hai: tung quân đến nơi, làm loạn hết cả lên rồi chẳng được cái gì cả, tốn kém rất nhiều…(miền Nam Việt Nam là ví dụ nổi bật nhất, có thể kể rất nhiều vùng quốc gia lãnh thổ nữa). Taliban chính là “con đẻ” của tình báo Pakistan nhưng được chống lưng bởi CIA và Mỹ, đã quay lại “cắn” họ, thế rồi theo lời chính quyền Biden thì tổng cộng đã tiêu tốn hơn nghìn tỷ USD tại đấy rồi, phải rút đi thôi. Việc Mỹ rút quân là giải pháp đúng, tất yếu và trước sau cũng sẽ như vậy thôi, không cố được! Nhưng phía Mỹ không ngờ Taliban tiến công thần tốc và thắng nhanh như chẻ tre thế… “Kết thúc chiến tranh – thực tế là chấp nhận thua – cũng đòi hỏi sự khéo léo và cố gắng chẳng khác gì trong trường hợp giành chiến thắng” (chuyên gia John Hans của Nhà Trắng đã nói trước như vậy). Các nhà phân tích chỉ ra 2 lỗi chính của Biden:

-không đánh giá đúng thực lực hai bên (quân chính phủ/Taliban) nên tính sai về thời điểm rút quân Mỹ và NATO, làm quân chính phủ kiệt quệ về tinh thần, mất sức chiến đấu.
-Tổ chức rút quân, rút người kém quá, mất công gửi 3000 quân về thủ đô để bảo vệ việc rút người về. Đại diện đặc biệt của Mỹ tại Afganistan là Zalmay Khalizad phải ngỏ lời xin trước với Taliban đừng tấn công Đại sứ quán Mỹ và các chuyên viên ở Kabul nếu thủ đô bị chiếm.

Đến Tổng thư ký LHQ António Manuel de Oliveira Guterres ngày 13/8/2021 ra lời kêu gọi Taliban ngừng tấn công để đàm phán “nếu không sẽ dẫn tới nội chiến và cô lập đất nước” – nhưng người ta quá biết những lời kêu gọi của Liên hợp quốc chả có mấy giá trị đối với các phần tử khủng bố này. 12 tỉnh bị chiếm, thành phố lớn thứ ba, rồi thứ hai (Kandagar – xưa là nơi huấn luyện quân của Al-Queda) thất thủ, và khi Taliban tiến vào dân tình đổ ra đường chào đón. Quân chính phủ tinh thần chiến đấu gần như thua hẳn rồi. Đi tới đâu Taliban bắt dân tình nộp ra những tàn quân chính phủ trà trộn vào dân để hành hình, còn ai cố tình che dấu cũng sẽ bị hành hạ thẳng tay nếu phát hiện ra. Mỗi gia đình phải nộp ra ba, bốn phụ nữ trẻ (chưa chồng hoặc vợ của quân chính phủ) để cho quân Taliban lấy làm vợ! Họ có thể giật nổ bất cứ căn nhà nào, chỉ để quân chính phủ không có chỗ mà ẩn náu. Tang thương, nhưng thực ra đất nước này cũng tang thương cả thế kỷ này rồi…

Cái gì sẽ xuất hiện tại đây và cũng là chính giữa châu Á sau khi Kabul thất thủ – đó là một quốc gia nhiều sắc tộc (bộ lạc), độc tài tín ngưỡng và trình độ học vấn thấp (bởi 20 năm Mỹ tham chiến dân thị thành bị tiêu diệt hoặc di tản hết rồi). Còn nhớ hơn 30 năm trước tại Afghanistan đánh nhau với quân đội CCCP là những nhóm vũ tranh riêng biệt: gốc người Uzbek, gốc Tadjik… (bộ lạc) nhưng nay Taliban thống nhất được các thế lực này! (Chẳng hạn nhóm quân Tadjik nói tiếng Ba Tư, còn lại nói tiếng giống tiếng Thổ Nhĩ Kỳ). Nếu sẽ có một nước cộng hòa hồi giáo Afghanistan xuất hiện, thì dân Afghan cũng chỉ có 40%, còn lại là các sắc dân khác. Và cộng đồng quốc tế rất nên chú ý sớm tới quốc gia này, bất kể nó có được LHQ công nhận hay không, bởi lý do nó sẽ là ngòi nổ cho cuộc chiến tranh mới, lúc ấy sẽ không còn là nội chiến nữa rồi – và điều đó sẽ xảy ra chỉ trong vòng một số đơn vị tháng nữa mà thôi!

Lý do: quyền lực sẽ thuộc về nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan chính thống. “Hồi giáo chính thống” theo định nghĩa tôn giáo nó không bao giờ được ngừng lại, mà phải lan tỏa rộng tiếp, thậm chí các dòng Islam khác cũng không được coi là đủ chuẩn mực! “Mô hình Afghanistan” sẽ được “xuất khẩu” tiếp sang các vùng lãnh thổ khác, tất nhiên nếu lân cận thì sẽ được “tiếp nhận” đầu tiên rồi. Thực chất mà nói Taliban chỉ khác Al Qaeda một số tiểu tiết mà thôi – chính Mỹ biết vậy nhưng khi dùng Taliban để chống lại Al Qaeda thì chẳng nói gì. Taliban đã thống nhất được tất cả các nhóm Islam, và Bin Laden cũng nhập bọn, cùng tuyên bố “thánh chiến” chống lại những kẻ ngoại đạo. Taliban khi được Pakistan tạo dựng ra chỉ có mục đích dùng vùng Kashmir để quấy rối Ấn Độ, nhưng khi CCCP thò chân vào cái bẫy này thì chính CIA và MI6 đã chuyển hướng Taliban, quay từ Ấn Độ sang Liên Xô cũ. Nay một quốc gia Islam sẽ lại được tái thành lập, nó sẽ “đánh” ai mới là quan trọng, bởi lẽ ngoài nguyên nhân tôn giáo thì về kinh tế nó cũng không thể tồn tại nếu không bành trướng. Đánh ai?

Bởi Taliban có bàn đạp phía nam đất nước, nó sẽ tiếp tục cuốn chiếu đánh tiếp lên phía bắc – chắc chắn đấy, bất kể trước đây đại diện Taliban là Mohamet Naim đã tuyên bố rằng các nước lân bang hãy yên lòng vì sẽ không có vấn đề gì (ai đời một lực lượng khủng bố trong một quốc gia đang có hiện diện của quân Mỹ và LHQ lại lên tiếng trấn an các nước láng giềng như vậy, chứng tỏ mối hiểm nguy đã rõ như ban ngày!). Taliban trong thời gian tới chưa thể động đến Pakistan được – ngoài chuyện Pakistan chính là cha đẻ của Taliban thì nó cũng đủ mạnh để phòng vệ với lực lượng khủng bố này. Vậy ai đây: Iran cũng chưa động đến được, vì ở đó đa phần là sắc dân Shiite. Muốn rẽ ngang sang phía đông cũng chịu, bởi vì các dãy núi cao ngăn trở – vậy thì “bắc tiến” thôi! Uzbekistan, Tadjikistan sẽ là những miếng mồi ngon, bởi vì Taliban thống lĩnh đước cả các dòng tộc Uzbek, Tadjik tại Afghanistan thì theo con đường “bộ lạc” lại có sức mạnh quân sự, không hề khó nếu các quốc gia kia không có thế lực bên ngoài chống lưng bảo vệ. Với Turmenistan khó khăn hơn, bởi ở đó toàn sa mạc, dân cư thưa thớt… tuy vậy có thể Taliban cũng chả chê mặc dù không “ngon nghẻ” cho lắm. Đối với những phần tử cuồng tín Hồi giáo thì chuyện đi “thánh chiến” vài nghìn km xa quê là chả có gì mới, huống gì đây lại quá gần, lại cùng bộ lạc, cùng dòng tộc. Ngoài 3 quốc gia nói trên thì Taliban qua đó chắc chắn sẽ tiến đánh Kirgyzstan thôi! Rồi tới lượt Kazakhstan, mặc dù người Kazak về bộ lạc tính thì ít khi kéo đi đánh nhau hàng nghìn km! Mà tới đó đã là biên giới phía nam của Nga rồi. Cũng là sát với vùng dân Duy Ngô Nhĩ ( quốc tế thì gọi là Turk hoặc là Uyghur), nên việc Taliban có đánh lấn sang đây hay không thì phải nể mặt Trung Quốc.

Các nước lớn sẽ hành xử thế nào trong tình thế này? Đầu tiên là Trung Quốc: tuy chính phủ hiện thời kêu gọi Trung Quốc đàm phán, tức là đứng ra “can” Taliban đừng đánh nữa, nhưng tất nhiên Trung Quốc chỉ “tọa sơn quan hổ đấu” mà thôi! Bởi Trung Quốc có quan hệ rất tốt với Pakistan (cùng chống Ấn Độ mà!) nên nhiều lần Trung Quốc đứng ra hòa giải tại Afghanistan, nhưng chưa bao giờ đưa ra giải pháp gì cụ thể mà được thực hiện cả. Và trong thâm tâm Trung Quốc vốn khá nhìn xa trông rộng sẽ rất lo sợ với thế lực khủng bố có hệ tư tưởng thuần tôn giáo cực đoan này – hơn nữa việc trở mặt như trở bàn tay của những Al Qaeda và Taliban thì Trung Quốc đã được chứng thực nhiều rồi! Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tiếp đại diện Taliban tại Thiên Tân cuối tháng 7/2021 không phải để kêu gọi hòa giải gì đâu, mà để dò la lòng dạ của nhau thôi! Vương Nghị kêu gọi Taliban cắt đứt quan hệ với Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) mà Bắc Kinh cho là gây ra các cuộc tấn công ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc, Taliban đáp lại rằng, “lãnh thổ Afghanistan sẽ không được sử dụng để đe dọa an ninh của các quốc gia khác” – nhưng mà “ai nghe thằng nghiện trình bày” (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng đấy!). Về sau, khi Taliban nắm quyền Trung Quốc sẽ bằng mọi thủ đoạn (chẳng hạn lợi dụng quan hệ tốt với Pakistan) để hướng đòn đánh của Taliban vào các quốc gia khác, chứ chả tội gì mà đương đầu với thế lực cuồng tín này! Nhất là đối với chúng Trung Quốc chính là “dị giáo” chứ đâu nữa… Mà ngay cả quan hệ TQ với Pakistan cũng cho kết quả mong manh lắm – Taliban đã từng suýt nắm luôn Pakistan, đã sát hại cả cựu Tổng thống nước này rồi! (Xin nhắc lại: năm 2011 cựu Tổng thống Afghanistan là Rabbani bị Taliban đưa vào bẫy, gặp gỡ với đại diện Taliban để bàn việc hòa giải ở Afghanistan, đã bị nổ bom cảm tử, chết cùng 4 vệ sĩ. Nhưng rồi may Pakistan có những kẻ “cùng lý tưởng” với Taliban nên không đến mức bị thao túng ngược…). Về lâu dài Taliban chính là kẻ đe dọa Trung Quốc chứ chả phải Nga, Mỹ gì đâu, chiến tranh tôn giáo mới là điều khủng khiếp nhất.

Nga không thể đứng ngoài vòng chiến này được. Một là đã có “ân oán” từ thời CCCP với bao mất mát cả sức người, sức của. Hai là các quốc gia kia đều từng là cộng hòa trong thành phần của Liên Xô – chả gì cũng mất mặt, mất ảnh hưởng lắm chứ. Thứ ba nữa như trên đã nói, chiến sự sẽ gần Nga lắm đấy! Nhưng Nga nay đâu còn thế mạnh kinh tế nữa, đang bị bao vây cấm vận, lại thêm Covid-19 thế này… thì phải làm sao, nếu chặn Taliban thì chặn ở biên giới nào, Tadjikistan hay Uzbekistan? Ngay tại Tadjikistan mới có đảo chính quân sự (vì lý do tôn giáo nhé), phe đảo chính khá thân cận với Taliban nói lên một điều, là ảnh hưởng của Nga đến các nước cộng hòa cũ này không còn lớn nữa rồi, may chính quyền cầm cự được. Nga cũng đàm phán nhiều lần với đại diện Taliban (mặc dù theo luật đây là tổ chức bị cấm tại Nga đấy!), Taliban cũng tuyên bố sẽ để yên các nước Trung Á từng thuộc về CCCP, nhưng để Nga tin thì quả là khó – Nga vẫn bán vũ khí cho Ai Cập, Ấn Độ để tăng cường quốc phòng. Kazakhstan thì còn đủ mạnh, chứ 3 nước Trung Á kia yếu quá – đấy là nỗi đau đầu của Nga, trong lúc “nhà bao việc”!
Với việc Mỹ và NATO quyết định bỏ ngỏ Afghanistan thì việc họ hậu thuẫn cho mấy nước láng giềng phía bắc để chặn bước tiến của Taliban hoặc là chậm rồi, hoặc không khả thi. Lý do ư, Mỹ luôn kêu gọi “dân chủ” và đứng về phía những phe đối lập, mà đối lập ở đấy toàn những phe phái có dây dưa với Taliban không về mặt tông giáo thì cũng dòng tộc, bộ lạc… Ở Uzbekistan thì Mỹ lại dở tới mức dùng các quyết định cấm vận chính phủ này để ủng hộ các lực lượng “dân chủ” – bây giờ thì mặt mũi nào để ủng hộ nhà cầm quyền để chống xâm lấn từ phía nam đánh lên đây? Vấn đề lớn nhất của Mỹ (và Anh) trên trường quốc tế được bộc lộ rõ nhất ở Afghanistan: họ không thể (hoặc không muốn) hiểu gốc gác vấn đề như nó có, mà muốn thấy mọi việc phải như Washington quyết! Khẩu hiệu “dân chủ” ở đâu thì còn có tí trọng lượng chứ ở Afghanistan (và từ Ai Cập, Ả rập cho đến toàn vùng Trung Á) tuyệt nhiên chả làm ai xúc động chút nào đâu, vì với các bộ lạc này chiến tranh sắc tộc và tôn giáo đã nghìn đời nay rồi! Với một Al Quada, một Taliban này còn không kiềm tỏa được, chưa nói đến các thế lực cũng khủng bố cực đoan khác đang bất ngờ lớn mạnh, chẳng hạn như “những người anh em Hamas” hay IS… Hơn nữa, Mỹ và NATO ở xa, nên nếu họ dù có muốn có sự can thiệt về quân sự ở những quốc gia Trung Á yếu như Uzbekistan, Tadjikistan thì Nga va Trung Quốc chắc chắn sẽ chống điều này quyết liệt!

Điều cuối cùng có thể nói về tiềm lực của Taliban. Thế giới có 9 quốc gia đang nắm giữ vũ khí nguyên tử: Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc, Izrael, Ấn Độ, Pakistan, Bắc Triều Tiên. Chưa ai khẳng định các phần tử khủng bố nào có vũ khí khủng khiếp này trong tay, nhưng nếu có thì chắc đó sẽ là Taliban – với quan hệ ràng buộc quá gần gũi với Pakistan điều này là rất khả thi!
Vậy tóm lại như sau: tay “Chí Phèo” Taliban lúc này chắc chắn không có một cường quốc nào đơn độc ra tay để chặn được đâu! Mà nếu để nó bành trướng ra thì ít nhất 2 trong 3 cường quốc quân sự (Nga và Trung Quốc gần, còn Mỹ thì tạm thời ở xa) sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp chỉ trong vòng vài năm tới! Để tận diệt lực lượng khủng bố này thì quá khó, nhưng chả lẽ “cả làng Vũ Đại” thua anh Chí Phèo? Lịch sử sẽ có những điều bất ngờ luôn xảy ra khó mà đoán định được trước, chẳng hạn như nhà chuyên gia quân sự và chính trị (Izrael và Nga) Kedmi Jacov đề xuất một phương án giảm thiểu tối đa sự bành trướng của Taliban như sau: Afghanistan sẽ buộc phải nhường bớt một phần lãnh thổ cho Tadjikistan và Uzbekistan, tất nhiên điều đó chỉ xảy ra khi có sự can thiệp của các cường quốc nói trên và hơn thế nữa. Lúc đó Afghanistan nhỏ đi nhiều, dù cho Taliban có chiếm được toàn quyền đi chăng nữa, thì cũng không còn sức mạnh bành trướng. Thực tế sẽ xuất hiện những quốc gia mới, nhưng phân định theo quan hệ dòng tộc, bộ lạc: người Tadjik sẽ về với Tadjik, người Uzbek sẽ về với Uzbek… Những mâu thuẫn sắc tộc ở trong các quốc gia này sẽ không quá gay gắt, và như thế vùng Trung Á này sẽ không còn là một lò lửa chiến tranh nữa, mặc dù nó vẫn còn âm ỉ cháy… Phức tạp quá đi chứ, nhưng Izrael cũng ra đời do sự sắp đặt của mấy ông lớn đấy thôi?

 

TALIBAN CÓ GÌ TRONG TAY
Afghanistan hôm nay 22/8 thế nào? Cả đất nước rộng lớn thì khó mô tả lắm, nhưng Kabul thì có vẻ bình thường, đã 8 ngày trôi qua rồi không có những cảnh “tắm máu” dễ sợ nào cả. Tất nhiên “bình thường” là nói vậy thôi, vì trước kia dù do quân chính phủ quản lý thì cuộc sống cũng có bình thường lắm đâu. Các bà mẹ vẫn dẫn trẻ con dạo phố, cửa hàng cửa hiệu vẫn hoạt động, thậm chí vẫn có đám cưới… Để ý kỹ thì phụ nữ phải vấn tóc, trùm đầu, mặc che toàn thân nhưng không phải bịt mặt – thế là đối với Hồi giáo cực đoan thì vẫn “thoáng lắm”, chứ nếu thật nghiêm thì phải che mạng cơ. Chẳng có chỗ nào thấy “bôi bẩn ảnh phụ nữ” ở ngoài đường, ở các salon làm đẹp – đấy là trò bôi bác bẩn của mấy phóng viên phương tây. Cũng như vậy, chả có vụ “tắm máu” nào, cũng không có “biểu tình chống Taliban” nào như mấy phóng viên bốc phét – có 2 cuộc “mít tinh”, một là 19/8 ngày độc lập kỷ niệm từ năm 1919 tới giờ, trong đó có nhiều phụ nữ cũng tham gia; hai là một nhóm Shiit tuần hành – và lần đầu sau 20 năm được diễn ra không đổ máu bởi vì Taliban tổ chức bảo vệ. Các cảnh hoảng loạn chạy trốn ở sân bay Kabul là có thật, nhưng đó là lúc Mỹ còn quản lý nó, bây giờ thì Taliban đã lập lại trật tự. Ngày mai sẽ có chuyến bay quốc tế đầu tiên tới sân bay này (đố các bạn đoán ra ai sẽ bay?).
Cảnh loạn lạc, cướp phá xảy ra tại thủ đô ngày 14-15/8 khi Taliban còn chưa tiến về thủ đô. Khi tổng thống bỏ chạy và có tin Taliban đã tới thì mọi sự trở nên yên ắng hẳn. Đêm 15/8 Taliban đã chiếm Kabul không mất một viên đạn, thậm chí đa số còn chả có súng (nhiều toán Taliban có mỗi 1-2 khẩu tiểu liên AK)! Khi đi vào thủ đô Taliban làm ngay 2 việc: quỳ gối xuống và hôn lên đất Kabul, rồi đến thẳng các đơn vị cảnh sát hay quân chính phủ (tay không nhé) để đòi bàn giao vũ khí. 22h ngày 15/8 khi Ủy ban quân quản (của Taliban) tuyên bố lệnh giới nghiêm cho tới hôm nay thủ đô không có một tiếng súng. Bọn cướp phá, tranh thủ kiếm đồ ăn quá hiểu, “đùa” với Taliban nhất là khi có lệnh giới nghiêm sẽ được xử nhanh và gọn thế nào – nỗi sợ hãi cũng là một công cụ giữ trật tự vô cùng hữu hiệu! Ngày đầu tiên Taliban đã bắt 120 đứa cướp phá, xử tử một kẻ hiếp dâm. Trước 15/8 khi Mỹ còn ở đây thì chả ngày nào không có vài vụ khủng bố, và phương tây cũng tung tin là sẽ có hàng loạt vụ khủng bố xảy ra nhất là ở khu vực sân bay – mà lại do Al Queda chuẩn bị cơ. Ít nhất là họ đã hoang tưởng – trong 8 ngày này. Lý do ư: Taliban tiến vào Kabul là họ trở về nhà, họ đã cầm quyền ở đây 20 năm về trước!

Điều này không nói lên rằng Taliban và Afghanistan sẽ yên ổn, hoàn toàn ngược lại, vì sao ư – khắp đất nước đang tồn tại một sự nghèo đói tuyệt đối – tức là không có bất cứ con số nào có thể mô tả được, thậm chí con số chưa tới 2 đô la thu nhập bình quân đầu người trong 1 ngày cũng chỉ là con số trên giời. Một nhóm trẻ em bị chết, người ta tưởng bị Taliban làm gì, hóa ra chúng đói quá rủ nhau ăn lá cây rồi ngộ độc. Một em bé gái mò vào doanh trại quân đội bỏ hoang để… gỡ mìn đem đi bán để mua đồ ăn, rồi bị nổ. Những chuyện ấy đang xảy ra liên tục, và Taliban có cầm quyền hay không cũng chưa thay đổi được là bao. Tổng thống cũ thì bay đi với máy bay lèn cứng đô la, rớt cả ra đường bang nhưng sang đến nước ngoài thì than với báo chí là “Tôi trắng tay rồi!”. Chắc mang được thế vẫn còn ít hơn dự kiến…
Chính quyền Biden tổ chức rút quân kém và tính sai thời điểm, nên đã để lại cho Taliban kho vũ khí gồm: 2000 + xe bọc thép, Humvee; 40 máy bay gồm:
-UH-60 Black Hawks
-Scout máy bay trực thăng tấn công
-ScanEagle máy bay không người lái quân sự.
– Embraer 314…
-súng M4 và M16 thì nhiều vô kể!

Cùng vô số cơ sở hạ tầng súng ống đạn dược và các thiết bị tối tân khác, quân Mỹ hầu như không mang đi được một mẩu vũ khí nào ngoài trang bị cá nhân sau lệnh rút quân nửa đêm của Biden. Có cả…56 chiếc Mi17 của Nga, được Mỹ mua từ năm 2011 để cho quân chính phủ dùng!
Kash Patel – cựu giám đốc Hội đồng an ninh quốc gia dưới thời tổng thống Trump cho biết Joe Biden đã huỷ bỏ toàn bộ chương trình rút quân của tổng thống Trump vài tháng trước. Tuy nhiên khi tuyên bố với báo chí, Joe Biden và Blinken đều đồng loạt đổ lỗi “họ làm theo kế hoạch của chính quyền trước”, tuy nhiên Biden chỉ đơn thuần là rút quân và bỏ lại tất cả trang bị vũ khí và nhân viên dân sự cả người Mỹ lẫn người Afghanistan, rồi ngay sau đó phải gửi trở lại 5000 quân để bảo vệ sân bay cho nhân viên dân sự được di tản. Nhưng mà không kịp, gây ra cảnh tháo chạy khủng khiếp ở sân bay mà cả thế giới đã được xem…Hơn 80 tỷ đầu tư cho quân Mỹ và quân chính phủ từ trước tới này coi như vứt đi, còn số vũ khí, khí tài Taliban thu được tổng giá trị độ 20 tỷ USD, tất nhiên theo thời gian và không có đồ dự phòng thì giá trị sẽ giảm đi. Rất nhiều vũ khí, chẳng hạn máy bay quân Taliban sẽ không dùng được (vì làm gì có phi công và không quân). Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn đang lên danh sách…Trái với ý kiến của một số bạn đọc là “Mỹ giàu lắm, cái gì không cần nữa thì vứt” – ngược lại, bảo vệ vũ khí, khí tài là nhiệm vụ hàng đầu của quân đội Mỹ (còn cao hơn nhiều so với nhiệm vụ đi nước ngoài chiến đấu vì “dân chủ”)!

Nhiều bạn đọc theo thuyết âm mưu coi đó là nước cờ sáng tạo của Mỹ, để lại vũ khí cho Afghanistan đánh lẫn nhau, thậm chí là để đánh Tàu (!?). Nguyên nhân đơn giản hơn nhiều: Mỹ thua chạy vắt chân lên cổ nên đáng nhẽ phải phá hủy đi những thứ vũ khí, khí tài quan trọng nhất mà không đem theo được, nhưng không kịp! Xin đừng vội trách tôi là “anti Mỹ” nhé, Liên Xô cũ ngày xưa cũng thua bét nhè như thế và cũng mất cả mớ vũ khí – nhưng Mỹ giàu hơn, hiện đại hơn thì mất nhiều hơn. Và khác biệt nữa này: lượng vũ khí đang trong tay quân chính phủ cực lớn, và tất cả đều được Taliban tước đi mất!

Vậy thì quay lại nguyên nhân vì sao Taliban lại thắng, mặc dù trước đây trang bị thực sự rất sơ sài. Đó là do cuộc chiến tranh này là chiến tranh của hệ tư tưởng, cũng như lý do thất bại của Liên Xô cũ thôi (Liên Xô thậm chi còn không thua một trận đánh lớn nào). Mỹ tốn rất nhiều tiền mà thua, còn có một nguyên nhân nữa, là định xây dựng một quân đội chính quyền quy củ theo kiểu NATO! Có nhiều đơn vị được chính người Mỹ huấn luyện, nhưng học hành lỗ mỗ lắm! Đội quân được lĩnh lương (ít thôi, tham nhũng kinh lắm) đã thua một đội quân chả có lương lậu gì: cũng một người Afghan ấy, khi đang chiến đấu trong hàng ngũ quân chính phủ thì kể cả có được trang bị tận răng nhưng vụng về, ù lì, thụ động và kém cỏi lắm – nhưng cũng anh ta khi chạy sang phía Taliban thì rất sáng tạo, ngoan cường, dũng cảm quên thân! Không phải là hiện tượng cá biệt đâu, cả Liên Xô và Mỹ đều nhận ra hiện tượng này, nhưng làm sao chống lại được thì họ chưa nghĩ ra đã thua mất rồi, sau 15-20 năm và cả nghìn tỷ đô la…
Trong buổi trả lời báo chí chung của Putin và Merkel ngày hôm qua Putin kêu gọi “đừng xoáy vào nỗi đau của người Mỹ về vụ Afghanistan” và nêu lên bài học: đừng mong thay đổi ý tưởng, tập tục của các dân tộc khác. Merkel thì nhắc lại nguyên nhân cuộc chiến của Mỹ và NATO ở Afghanistan là các vụ khủng bố tại Mỹ 20 năm trước, và đánh giá: chống khủng bố thì có thành công nhất định, nhưng việc giúp đất nước này ổn định thì thất bại rồi. Bà công nhận là dân ủng hộ Taliban nhiều hơn chính phủ cũ và NATO với Mỹ. Và có vẻ Đức sẽ đứng ngoài danh sách các nước có lợi ích hay ảnh hưởng gì ở đây, Trung Á.
Đội quân phía bắc của cựu Phó tổng thống Ahmet chắc sẽ là lực lượng đối lập lớn nhất đối với chính quyền Taliban – họ cũng có kha khá vũ khí đã được tích cóp xưa nay, và bây giờ phương Tây lại đau đầu với bài toán: giúp phe Ahmet này hay không? Giúp thì tốn kém kéo dài, nhưng không giúp thì Biden xấu mặt quá, rút quân mà trắng tay cũng khó ăn khó nói. Chỉ một vài tháng nữa ta sẽ rõ.
Vậy đất nước quá nghèo này có đáng để “đánh nhau” hay không? Quy luật “nước càng giàu khoáng sản càng nghèo đói” lại một lần nữa đúng với trường hợp Afghanistan. Liên Xô cũ đã lập bản đồ khoáng sản khá kỹ lưỡng cho cả đất nước này, còn đánh giá cụ thể trữ lượng từng loại thì Mỹ đã làm – con số đánh giá từ 1000 tỷ tới 3000 tỷ USD – bằng quan sát từ trên không và vệ tinh. Dầu và khí đốt tương đối ít và khó khai thác, rất nhiều trữ lượng sắt và đồng. Quý nhất là li-ti, kim loại này ngày càng được loài người dùng nhiều (ô tô Tesla hay xe điện của Vinfast mà không có pin li-ti thì vứt xó), Afghanistan có nhiều hơn cả Bolivia là nơi được coi sô 1 về kim loại này – đến năm 2040 sẽ cạn kiệt hết. Afghanistan bây giờ được coi là “Ả Rập Xê út của li-ti”. Nhưng nếu nhìn lại, thì cả Liên Xô cũ lẫn Mỹ chả được lợi lộc gì với kho khoáng sản này cả, còn bây giờ thì càng chả ai dám đầu tư vào để khai thác, do quá rủi ro! Các tập đoàn phương tây muốn làm ăn bài bản thì phải đầu tư 15 năm may ra bắt đầu ra được sản phẩm thương mại, mà nào ai biết cái gì sẽ xảy ra vào ngày mai… Chưa kể ở Afghanistan làm gì có chuyên viên đủ kỹ năng để làm trong ngành khai khoáng này, thiết bị cũng không hề có! Duy nhất có thể câu kéo được Trung Quốc vào đầu tư, kiểu như họ đã làm ở châu Phi: cho Trung Quốc hẳn một khu vực (kiểu “đặc khu kinh tế”) – toàn lính TQ sẽ canh giữ, bên trong người TQ sẽ khai thác, chế biến rồi đem đi xuất khẩu) – nhưng ngay ở châu Phi cũng ở rất nhiều nước mô hình này đã thất bại (vì bạo loạn) nói gì đến Taliban. Trước đây, ngay trong lúc hai bên chính ohủ và Taliban còn đang giao chiến Trung Quốc đã đầu tư một mỏ vàng tại đây, nhưng rồi cũng “ôm đầu máu chạy”. Để rồi xem lần này họ có dám không…

 

TALIBAN LÀ NHƯ THẾ NÀO? P.3
Thế giới đạo Hồi cực kỳ khó hiểu đối với không những người ngoại đạo như chúng ta, mà ngay cả dân đạo Hồi thì cũng còn lâu mới hiểu được nhau. Với các sự kiện mới xảy ra ở Afghanistan thì người ta nói nhiều tới Taliban thôi, chứ như một nhà hiền triết ngẫm nghĩ rồi than thở: “Sự sống thật là vô bổ, Mỹ bỏ ra 20 năm và một nghìn tỷ đô la để thay thế nhà cầm quyền ở Kabul từ Taliban thành ra… Taliban, thế thì còn nói làm gì!”. Thôi xem lại từ đầu, xem Taliban là gì, từ đâu ra và đi về đâu vậy!

Taliban mới xuất hiện năm 1994, lúc đầu đa số là người sắc tộc pushtun thôi, nhanh chóng nắm được chính quyền từ 1996 đến 2001 thì bị liên quân phương bắc và Mỹ lật đổ. “Talib” có nghĩa là “người đi học” – quả thật khá nhiều dân Afghanistan được phong trào “Taliban” cho sang Pakistan đào tạo cả về tư tưởng đạo Hồi Sharia (luật thiêng liêng của Đức Chúa Trời) lẫn đào tạo kỹ năng chiến đấu để về nước bảo vệ hệ tư tưởng này. Học không mất tiền, cho nên nhiều gia đình Afghan đông con sẵn lòng cho một vài đứa con theo học để đỡ chết đói. Ngay cái tên đã không đơn giản, dễ hiểu lầm rồi, vì theo tiếng Ả Rập thì nó có nghĩa là “hai học sinh”! (chứ không phải một!!!). Nhưng cũng xin đừng nhầm với Taliban là một nhóm khác ở Pakistan, hai nhóm chỉ có cái tên na ná nhau thôi…

Câu hỏi thường gặp: ai cấp tiền để Taliban đánh nhau với Mỹ? Cứ xem những nước nào từng công nhận chính thể Taliban trong những năm 1996-2001 thì biết – chỉ có 3 nước, là Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Pakistan và Ả Rập Xeut. Và cũng chỉ có ba nước ra luật coi Taliban là tổ chức khủng bố bị cấm: Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Canada (Mỹ không cấm đâu nhé). LHQ thì luôn nước đôi, tuy cấm vận Taliban nhưng đến 2010 lại bỏ tên các lãnh đạo Taliban ra khỏi danh sách bị theo dõi vì khủng bố… Đến ngày hôm nay tổng số Taliban chỉ có 70 nghìn.
“Talib tốt là tên talib đã bị giết” – khẩu hiệu cực đoan này được khá nhiều chính khách và chuyên gia chính trị quốc tế ủng hộ. Nghe rất bạo lực và cũng chẳng mấy “dân chủ” cho lắm, nhưng quả thật có nhiều lý do làm người ta thù địch (và sợ!) Taliban. Nhưng nếu ta muốn tìm hiểu họ thực sự, thì hãy nên quên ngay những khái niệm “nhân quyền”, “nữ quyền”, “bình đẳng”, “bầu cử”, “phê bình”, “tự do cá nhân”… đi (mà thực ra thiếu gì quốc gia cũng mới có khái niệm về những điều này vài chục năm nay!). Hãy xem Taliban có nhiều điều luật gì về phụ nữ thì ta có thể hình dung ra được một phần nào – đây là nữ quyền được phổ biến tại Vương quốc Hồi giáo Afghanistan (1996—2001):
Phụ nữ Afghanistan bắt buộc phải đẹo mạng mặt, bởi vì khuôn mặt để hở của phụ nữ có thể khiến một người đàn ông trở thành hư hỏng, ngay cả khi anh ta “trong sạch về mặt đạo đức.” Sự phức tạp của các biện pháp nhằm mục đích phân biệt đối xử với phụ nữ đôi khi được gọi là phân biệt chủng tộc tình dục, vì phụ nữ không được phép đi lại tự do, được giáo dục sau 8 tuổi (họ chỉ có cơ hội học kinh Koran). Những phụ nữ muốn học hành khác đã theo học tại các trường học bí mật, nơi họ và giáo viên của họ có nguy cơ bị hành quyết nếu bị phát hiện. (Điều này còn nghiêm hơn cả luật Sharia – theo luật này thì việc học vẫn được khuyến khích, và cũng không bị bắt buộc phải che mặt, che tay cũng như không cấm đi lại hay lao động). Phụ nữ không được phép điều trị bởi các bác sĩ nam. Phụ nữ bị đánh đập hoặc hành quyết vì vi phạm luật của Taliban. Taliban cho phép một cô gái dưới 16 tuổi kết hôn và đôi khi còn khuyến khích điều này. 80% vụ kết hôn là do ép buộc.

Các hạn chế cơ bản (còn nhiều nữa):
* Từ 8 tuổi trở đi phụ nữ không được có bất cứ tiếp xúc nào đối với đàn ông, trừ chồng và họ hàng gần.
* Không được ra phố nếu không choàng kín người và che mặt, không có chồng hay họ hàng là đàn ông đi kèm.
* Không được đi giày cao gót (vì nghe tiếng gót giày là đàn ông có thể bị sa ngã).
* Phụ nữ không được nói to nơi công cộng, làm sao để đàn ông lạ không thể nghe được cuộc nói chuyện.
* Tất cả cửa sổ tầng một của các ngôi nhà phải che rèm thật kín, để từ ngoài không thể nhìn thấy hình bóng người phụ nữ bên trong.
* Phụ nữ không được chụp ảnh, quay phim, ảnh của họ không được xuất hiện ở bất cứ đâu kể cả ở nhà riêng!
* Tất cả các cụm từ có chữ “phụ nữ” phải được thay bằng từ khác!
* Phụ nữ cấm được xuất hiện trên ban công của mọi ngôi nhà, kể cả nhà riêng.
* Phụ nữ cấm được xuất hiện trên radio, truyền hình, các sự kiện đại chúng. Thực ra thời Taliban cầm quyền báo chị bị cấm hết, cũng chỉ có 1 đài hoạt động là “radio Charia” mà thôi.
Ăn mặc: Cấm ăn mặc quần áo màu sáng, vì như thế sẽ khêu gợi. Luật Taliban ban ra từ 1996 cấm phụ nữ mặc bó sát , theo mốt và đeo trang sức (vì như thế sẽ không được lên Thiên đàng). Cấm saon làm đẹp cũng như sơn móng tay móng chân.
Đi lại: cấm đi một mình. Latifa là cô gái Afghan nổi tiếng vì bị đánh đạp tàn nhẫn khi đi một mình, đã than thở:”Bố tôi chết trận, chồng không có, anh em không, con lấy đâu ra. Sống làm sao được nếu còn chả được đi đâu một mình?”.
* Không được đi đâu một mình mà không có chồng hay họ hàng đàn ông đi cùng.
* Không được lái ô tô, xe máy, xe đạp dù có chồng hay họ hàng ngồi cạnh.
* Không được bắt taxi nếu không có chồng hay họ hàng đàn ông.
* Xe buýt phải có loại riêng cho đàn ông và đàn bà.

Lao động:
Áo choàng kín mít (bourka) là điều kiện bắt buộc. Từ 30/9/1996 phụ nữ không được làm thuê (vì sợ trong giờ làm việc vẫn “hủ hóa” được!). Các giáo viên và nữ công chức khi mất việc được hứa cho 5 USD/tháng trợ cấp, nhưng rồi không có tiền. Taliban khuyến khích đàn ông kiếm tiền còn phụ nữ ở nhà! Ngành duy nhất phụ nữ được khuyến khích làm việc là y tế, nhưng cũng bị rất nhiều hạn chế. Lôi thôi là bị quy kết “quyến rũ đàn ông” là to chuyện lắm, nên nhiều người phải bỏ việc. Ngay bác sĩ phụ khoa và đỡ đẻ (chỉ được phụ nữ làm) cũng trở nên hiếm hoi. Nhiều phụ nữ Afghanistan có điều kiện phải đi nước ngoài chữa bệnh, vì bác sĩ nam giới đâu có được chữa cho họ. Cũng có bệnh viện “chui” nhưng thuốc men lại thiếu. Một ngành nữa phụ nữ được làm, đó là công tác xã hội giúp đỡ phụ nữ khác – xin mời làm, với điều kiện phải ca ngợi Taliban! 10/1996 Taliban cấm phụ nữ đi tắm nhà tắm công cộng – đây là truyền thống lâu đời của đất nước này, vì đối với nhiều gia đình chỗ đó là nơi duy nhất họ được tắm rửa tử tế… (bất chấp theo luật Hồi giáo, phụ nữ phải tắm rửa sạch sẽ rồi mới được cầu kinh!).

Giáo dục:
Con gái chỉ được học sau 8 tuổi – cũng để tránh bị đàn ông “làm bậy”, vì 8 tuổi đã biết tránh cám dỗ rồi. Chương trình học được sửa đổi để kêu gọi học sinh noi gương tử vì đạo theo kiểu talib.
Nhiều phụ nữ Afghan mở trường “chui” để dạy nữ sinh, bất chấp nguy hiểm. Dễ vào tù hay bị treo cổ lắm…
Văn hóa: ngoài chuyện cấm cười nói thì tất nhiên cấm tập thể thao, thể hình, âm nhạc, múa hát.
Hình phạt: thời 1996-2001 sự trừng phạt thường được tiến hành chỗ công cộng, như sân vận động, quảng trường. Luôn được dùng vũ lực để trừng trị, ví dụ: cắt ngón tay cái vì sơn móng, quật roi vào chân và lưng vì ăn mặc không đủ tiêu chuẩn, các phụ nữ của CARE International bị “cảnh sát tôn giáo” bắt, hành hạ và bêu riếu công khai, rồi quật roi da và kim loại…Một cô gái làm trong ngành cảnh sát bị đâm mù 2 mắt.

Năm 1999 bà mẹ Zarmina có 7 con đã bị tử hình công khai tại sân vận động với 30 nghìn khán giả vì tội giết chồng – thực ra là cô con gái đã giết cha vì bị làm nhục thường xuyên. Cô bé Aisha 12 tuổi đã buộc phải đi lấy chồng, bị nhà chồng hành hạ khổ quá mới trốn về nhà mình khi 18 tuổi – thế là bố đẻ giao nộp cho Taliban để trừng trị làm gương. Cô bị cắt mũi, cắt tai, thả trong núi cho chết đói, thế nào vẫn sống sót được…
Nhiều vụ phụ nữ bị xử bắn vì tội “làm chui”. Có cô nấu ăn không đạt bị thiêu sống.

Các hình thức trừng phạt công khai này đúng ra là “sáng kiến” của các nhóm taliban thực thi nhiệm vụ, chứ các lãnh đạo Taliban nghĩ hơi khác, họ đòi hỏi trừng trị những người đàn ông chịu trách nhiệm về các phụ nữ này, hoặc ngay cả những đàn ông không may có mặt chứng kiến “tội ác” của phụ nữ mà không ngăn chặn, chẳng hạn người lái taxi hay người bán hàng… Ví dụ:
* Nếu trên taxi phụ nữ không che mặt thì lái xe (và người chồng) phải bị trừng trị.
* Nếu phụ nữ giặt quần áo ở bờ sông một mình, thì Taliban sẽ đưa về nhà, và các đàn ông nào có nhà sẽ bị trừng phạt.
* Nếu thuê phụ nữ làm việc, thì ông chủ phải đi tù.

Đọc xong thực sự khó mà tưởng tượng được phụ nữ Afghanistan khổ cực thế nào, đấy là chưa nói tới nạn đói. Nhưng họ vẫn chịu đựng được, có lẽ một phần họ đã chai sạn, thậm chí như những zombie, bất chấp tất cả những gì có thể xảy ra đối với họ. “Tôi chờ tới lúc sẽ bị giết” – họ nói câu đó như chuyện thường ngày ở huyện… Những chuyện kể trên là 20 năm trước, còn bây giờ tình hình xấu hơn hay tốt lên thì còn quá sớm để nói. Người ta từng lên án Taliban cho phép bắt cóc thiếu nữ từ 12 tuổi để làm vợ, nhưng cũng có nhiều tin đồn là có những gia đình phải bán con gái cho… lính Mỹ để khỏi chết đói. Và chưa chừng luật pháp (Hồi giáo) ở tại thung lũng Panjshir , phía Bắc Kabul, nơi 9000 quân kháng chiến Afghanistan đang tử thủ chống Taliban dưới cờ của thủ lĩnh Ahmad Shah Massoud có thể còn khắc nghiệt hơn nữa đấy!

(Một ý kiến khác, để tham khảo thôi. Rằng Taliban lứa trẻ, đi học về tôn giáo và chiến chinh từ bé, rồi lớn lên trong điều kiện không có internet, phim ảnh, tiếp xúc với phụ nữ… dần dần trở thành “sợ gái”! Khác với lứa thủ lĩnh đứng tuổi, lứa trẻ này tuy không kém phần khát máu nhưng chả biết làm gì với đàn bà con gái cả!).
Để hiểu rõ một lần cả câu chuyện Afghanistan phải nhớ lại 2001 vì sao Mỹ đưa quân vào Afghanistan. Tất nhiên vụ khủng bố 11/9 là “giọt nước tràn li” (nhưng ai gây ra vụ khủng bố kinh khủng đó, xin đọc lại chuỗi bài “Evronal” về người Do Thái). Tuy vậy khẩu hiệu hay được Mỹ và NATO hô hào không phải là “diệt Al Queda” đâu, mà để đem lại cho người dân Afghanistan những giá trị nhân đạo văn minh, kiểu “độc lập”, “nhân quyền”, “tự do ngôn luận”… Chính vì thế mà NATO đã ủng hộ Mỹ bằng quân sự – hăng hái nhất là Anh, Pháp, thậm chí cả đến Gruzia cũng cử quân sang, còn Đức lần đầu tiên sau 50 năm mới có sự hiện diện quân đội ở ngoài biên giới. Úc và New Zealand cũng cử quân xung trận. Thời kỳ đông quân Mỹ nhất là khi Obama làm tổng thống – hơn 100 nghìn quân Mỹ đóng tại đây. Các nước đồng minh đều cử đến lực lượng thiện chiến nhất, chẳng hạn với Mỹ là “Delta” và “SEAL”. Việc Mỹ phải rút quân thì đã đành – mọi mục tiêu cao đẹp được đặt ra đều không thực hiện được, trừ việc tiêu diệt Bin Laden. Nhưng Biden với trí nhớ có vẻ vẫn như mọi khi và thói quen đổ lỗi cho tất cả mọi người trừ mình với lần rút quân hớ hênh, vội vã này đã được rất ít người ủng hộ – chẳng hạn cựu tổng thống Mỹ Bush “con” chính là người ra quyết định đem quân vào Afghanistan trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng truyền thông DW của Đức ngày 14/7/2021 đã phê phán hành động này “sẽ đem lại những hậu quả khủng khiếp không thể tưởng tượng được”. Bush “con” và vợ đã bỏ nhiều thời gian để tiếp xúc với phụ nữ và các bé gái Afghanistan, và coi họ sẽ chịu đau khổ đến cùng cực, nếu quân đội Mỹ bỏ đi theo cách ấy. Cựu tổng thống này còn nhắc tới những người phiên dịch và những người được quân đồng minh thuê, tính mạng của họ sẽ rất mong manh.

Xin nói thêm về thuốc phiện và cuộc tranh cãi rằng Taliban có quyết diệt ngành sản xuất thuốc phiện như đã từng tuyên bố không. Hãy nhớ lại rằng năm 2000 Taliban ra lệnh cấm trồng và sản xuất thuốc phiện trên toàn lãnh thổ – đầu tiên là để lấy lòng các quốc gia và các tổ chức quốc tế. Nguyên nhân sâu xa là mấy năm ấy đang thời kỳ hạn nặng, dù có trồng cũng chẳng được bao nhiêu – thế nên Taliban giảm sản xuất thật, chỉ còn 180 tấn/năm 2001. Sau khi bị đánh bật khỏi thủ đô Taliban lại tăng cường sản xuất thuốc phiện để kiếm tiền – chưa kể Mỹ cũng nhắm mắt cho các khu vực quân chính phủ chiếm giữ trồng và sản xuất thuốc phiện để “lấy lòng dân” – thế nên từ 2001 đến 2013 lượng thuốc phiện tăng độ 40 lần!? Người ta ước tính có tới 70% dân trong độ tuổi lao động làm việc liên quan tới thuốc phiện, thế nhưng vì thời chiến nên cả Taliban, cả quân chính phủ bị bọn nước ngoài ép giá kinh khủng – ví dụ năm 2014 Taliban kiếm được có 150 triệu USD thôi trong khi lượng thuốc phiện bán ở nước ngoài 90% do Afghanistan cung cấp, đem lại tới 2,8 tỷ đô la lợi nhuận! Những năm cuối lợi nhuận của Taliban từ nguồn này mỗi năm khoảng 0,8 đến 1 tỷ USD. 17/8/2021 đại diện của Taliban tuyên bố với thế giới, rằng từ nay Afghanistan không còn dính dáng gì tới thuốc phiện nữa!

Vậy nếu sắp tới không còn nguồn viện trợ Mỹ (cho quân chính phủ) cũng như 3 nguồn cung tài chính cho Taliban trên kia đã nói tới có thể bị cắt giảm, Vương quốc Hồi giáo Afghanistan phải xoay sở thế nào? Chắc không có gì mới, số nước công nhận chính thức họ có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một số nhà cầm quyền ở các quốc gia xa hoắc đã lấy ngay Taliban ra làm kẻ “giơ đầu chịu báng” cho vấn đề nội bộ của họ, chẳng hạn “Batka” Lukashenko đã mau miệng đổ ngay cho Taliban lâu nay ủng hộ tích cực cho phong trào phản kháng tại Bạch Nga. Kadyrov – người cầm đầu Chechnya và phát ngôn viên không chính thức của Putin – thì dọa “thánh chiến” đánh tận sào huyệt Taliban nếu dám động đến nước Nga, đấy cùng đạo Hồi mà đã lắm rắc rối lắm rồi (xin mời xem clip thứ hai – điệu nhảy của đàn ông Chechnya, họ có rất nhiều điệu nhảy đẹp nhưng điệu này thì hung hăng hết chỗ nói!). Nếu Taliban bị cấm vận, không được hỗ trợ về kinh tế thì trước khi đánh phá ra ngoài biên giới họ có 2 vũ khí khá đáng sợ: thuốc phiện và người tị nạn. Thuốc phiện thì “ngành dọc” rồi, Thổ Nhĩ Kỳ rất sợ thuốc phiện của Taliban sẽ tràn ngập đất nước này (trả thù cho việc Thổ cử quân đánh thuê đến giúp cho Mỹ mặc dù Taliban đã cảnh cáo). Bây giờ quyền lực trong tay, có “buôn” thì chắc sẽ làm bài bản lắm, và các bè lũ buôn ma túy không dễ ép giá được Kabul nữa đâu! Còn các nước châu Âu thì sợ dòng người Afghanistan chết khiếp (mặc dù bây giờ chưa có đâu) – tất cả đều đùn cho Thổ tiếp nhận dòng người vài trăm ngàn/năm này, tất nhiên Edrogan chống cự quyết liệt! Châu Âu không chịu đựng được một dòng người tị nạn nữa như dân Xi ri năm 2015 đâu. Sợ nhất là Áo và Hy Lạp – Hy Lạp còn quyết định làm tường biên giới với Thổ, để ngăn chặn dòng người tị nạn có thể tràn qua. Xông xênh nhất là Anh – có thể vì khá áy náy do việc bỏ rơi người Afghan – đã quyết định nhận 20 nghìn người tị nạn năm nay. Chỉ cần Taliban cố tình hay vô ý mà tăng cường đàn áp một chút thôi, thì dòng người bỏ chạy sẽ lớn lắm. Không biết có nên gọi thế là “khủng bố tinh thần” không, nhưng lại Tổng thống Lukashenko đe dọa hé mở biên giới, cho vài chục ngàn người chạy nạn Afghanistan qua đường đó để đổ bộ vào châu Âu – lão này dám làm thật chứ chả xá gì!

Cuối cùng là những tin thời sự về vùng đất cuối cùng mà Taliban chưa chiếm được: Panjshir là 1 tỉnh bé nhất trong 34 tỉnh của Afghanistan (tên tỉnh này có nghĩa là “ngũ hổ”). Cao nguyên này hai bên là núi cao, rất khó đánh – trước kia quân Liên Xô, rồi Mỹ cũng bó tay, giờ đến lượt Taliban thử sức. Thủ lĩnh Ahmet Massout vốn là Phó chủ tịch nước của chính quyền cũ, nên bây giờ tự coi mình là Chủ tịch lâm thời của Afghanistan, và đòi quyền tham gia vào chính phủ mới chứ không mưu cầu “giải phóng dân tộc” gì. Định nghĩ đúng, thì đây là cuộc chiến giữa sắc dân pushtun và dân tadjik. Quân Taliban kéo về phía bắc bao vây Panjshir, Taliban giao hẹn cho bên đối thủ 4 tiếng để hàng, nhưng Ahmet Massout kêu gọi binh lính chiến đấu đến cùng, vì “có chết thì sẽ được lên Thiên đàng như các vị tử vì đạo”. Bắt đầu bắn nhau rồi… Ahmat sẵn sàng tha thứ cả cho cái chết của cha mình để có thể đàm phán hòa bình với Taliban, nhưng có vẻ phía “kẻ mạnh” không muốn ngồi xuống để chia ghế, còn chưa thấy lực lượng quốc tế nào ủng hộ họ…

Tại sân bay Kabul vẫn còn khoảng 1000 lính Mỹ và Anh canh giữ và họ lựa chọn những người nào “xứng đáng” để bay ra nước ngoài, còn ai thì để lại, tất nhiên Mỹ và nước ngoài được ưu tiên hơn, nhưng con số họ còn lại cũng nhiều lắm. Hàng trăm nghìn người lăn lóc chờ đợi, còn máy bay 2 ngày hôm nay chưa thấy. Nhiều người nước ngoài phải cải trang mới đến được đến sân bay, xếp hàng để chờ đợi. Cổn và hàng rào sân bay đã do Taliban kiểm soát:
https://www.youtube.com/watch?v=Oc6HInz8uSw
Taliban tuyên bố chỉ thành lập chính phủ sau khi người lính nước ngoài cuối cùng rời Afghanistan. Cuộc sống trong thành phố tạm thời yên ổn, xe cộ tấp nập mặc dù dân gốc Ấn (vốn giỏi buôn bán nhất) bỏ chạy gần hết rồi. Taliban cho phía Mỹ tối hậu thư: đến 31/8 mà không đưa hết người đi khỏi Afghanistan thì họ sẽ nổ súng. Còn Biden thì gọi sự sơ tán vội vàng, hoảng loạn này là chiến dịch giải cứu thành công nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

 

ТALIBAN – NHỮNG TAY KHỦNG BỐ MẮT BIẾC
Có gì chung giữa Jack Sparrow và bọn khủng bố Taliban? Có 2 điều thôi: cùng là kẻ cướp và cùng kẻ mắt. Bin Laden cũng…
Đất nước thu nhập bình quân đầu người 2 $/ngày, tại sao một bộ quần áo giày dép cho 1 phiến quân talib trên 5000 $/người?
Vì sao ư, loài người còn phải tìm hiểu rất nhiều về Taliban rồi mới nghĩ được cách “sống chung” với khủng bố quốc tế…

LỊCH SỬ MỐT ĐÀN ÔNG
Nhà mốt Chanel đưa ra bộ cosmetics cho đàn ông vẽ mắt, vẽ mặt với tên gọi “Boy de Chanel”. Họ cũng chạy theo các hãng mỹ phẩm thức thời khác đã tung ra nhiều sản phẩm đánh phấn, bôi mắt, kẻ lông mày cho đàn ông.
Xông và hương, dầu thơm quý giá và đồ trang điểm trong thời cổ đại hoàn toàn không phải là đặc quyền của phụ nữ. Quyền trang điểm thuộc về những đàn ông quyền quý: những người cầm quyền, hoàng tử, vua, pharaoh, thầy tế lễ và những nhà lãnh đạo quân sự chiến thắng được tôn vinh. Họ còn tự phong là thánh thần, là con trời nên mấy cái đặc quyền, đặc lợi này là chuyện nhỏ! Nhờ những bức bích họa Ai Cập cổ đại các nhà nghiên cứu hiện đại có thể tưởng tượng và tái tạo lại diện mạo của các pharaoh và linh mục. Và, xét theo các tài liệu này, cả pharaoh và các thầy tế lễ đều không bỏ qua việc trang điểm, đặc biệt, họ vẽ dưới mắt một đường sọc đen rộng gần như kéo dài đến tận thái dương.
(Ví dụ, pharaohs Seti I và Ramses II, người chiến thắng trong Trận chiến huyền thoại Kadesh rất yêu thích trang điểm. Trang điểm sáng sủa của những người cai trị cổ đại có những lợi ích thiết thực khá rõ ràng: cách duy nhất để giao tiếp với người dân đối với họ là các bài phát biểu trước công chúng, và để các đối tượng đứng ở bục giảng hoặc các độ cao khác có thể nhìn thấy thì khuôn mặt của người cai trị được vẽ màu sáng. Trang điểm bằng đồ trang sức bắt mắt và quần áo sáng màu “có tác dụng để được công chúng công nhận” – như ngày nay hay dùng “bộ nhận diện” đặc trưng. Tính khí võ biền không ngăn cản được người Nhật trang điểm. Nhà hát kabuki truyền thống, bắt đầu từ thế kỷ 17, chỉ dành riêng cho nam giới biểu diễn và họ đều trang điểm kumadori trên mặt. Tất cả các màu sắc của kiểu trang điểm này đều mang một ý nghĩa tượng trưng – ví dụ như màu đỏ tượng trưng cho sức mạnh, lòng dũng cảm và công lý – những phẩm chất khá nam tính. Các diễn viên Nhật Bản đã vay mượn truyền thống trang điểm và kẻ mắt của người Trung Quốc – họ gọi là nghệ thuật trang điểm sân khấu lianpu.
Chì trắng – nền tảng của sơn trắng, một chất tương tự của các kem nền ngày nay – cực kỳ có hại cho sức khỏe, nhưng chúng không chỉ được sử dụng bởi người Nhật mà cả người châu Âu. Đồng thời, không chỉ phụ nữ, mà cả nam giới cũng bôi trắng: make up trắng che giấu những vết rỗ xấu xí – hậu quả của bệnh đậu mùa, từ trước cho đến nửa sau của thế kỷ 18 họ không biết tiêm chủng và thuốc men. Trong triều đình Louis XIV (cũng bị bệnh đậu mùa) và con cháu của ông các nốt ruồi giả làm bằng nhung để che giấu những khiếm khuyết đặc biệt dễ bị chú ý cũng phục vụ cho điều này.

Một trong những nhân vật gây tranh cãi nhất của kỷ nguyên hiện đại, người Anh John Wilmot, Bá tước Rochester, đã chụp ảnh chân dung với khuôn mặt trắng bệch. Vị quý tộc trẻ tuổi nhưng già nua này từng tẩy trắng, kẻ mắt và môi để che giấu dấu vết của những tệ nạn phá hoại và bệnh tật (theo truyền thuyết, ông chết vì bệnh giang mai). Câu chuyện đầy kịch tính của Wilmot đã hình thành nên cơ sở cho bộ phim The Libertine năm 2004, với sự tham gia của Johnny Depp, người không hề xa lạ với việc trang điểm cho nam giới).
Các diễn viên sân khấu theo truyền thống châu Âu trong thời hiện đại và sau này không hoàn toàn như diễn viên Kabuki, nhưng vẫn khá kỹ trang điểm: rạp hát không có điện, trong ánh sáng mờ của nến, và sau này là lò đốt gas và đèn dầu. Trên sân khấu họ phải được trang điểm đậm và sáng, nếu không khuôn mặt sẽ trông nhợt nhạt. Sau này người ta chuyển dần trang điểm từ sân khấu kịch sang dưới ánh đèn điện ảnh. Và ở đó, Charlie Chaplin đã trở thành một trong những thiên tài trang điểm đầu tiên: ông dùng bút chì kẻ viền mí mắt và vẽ vết thâm dưới mắt – “smoky eyes” trong tương lai – chúng gây xúc động và khơi dậy niềm thương cảm đối với nhân vật.

Rock
Những năm 1920 cho hết Chiến tranh thế giới thứ hai loài người đa phần chém giết và đói khát, tới mức phụ nữ đôi khi không có bụng dạ đâu để trang điểm, sau đó là người Mỹ và ở một mức độ nào đó, xã hội châu Âu chuyển sang các giá trị gia đình, chủ nghĩa bảo thủ và tự kiềm nên ngành mỹ phẩm phát triển âm. Sự khiêm tốn đã kết thúc (và dường như hẳn?) với sự ra đời của nhạc rock and roll, thuốc tránh thai, cuộc cách mạng tình dục và phong trào hippie. Đàn ông của những năm 1960 và 1970 đã giải phóng mình khỏi nghĩa vụ phải thường xuyên sẵn sàng làm việc và ra trận. Họ né tránh sự ràng buộc bằng cách tuyên bố mình là người theo chủ nghĩa hòa bình, nuôi tóc dài và để râu, mặc áo sơ mi sáng màu, đi chơi tại các ban nhạc rock và lễ hội âm nhạc nổi tiếng, mở mang đầu óc và thử nghiệm mọi thứ họ có thể tiếp cận.

Những thử nghiệm đầu tiên với trang điểm của nam giới (ngoài văn hóa của giới tính thứ ba) là do những tay chơi nhạc rock đầu têu. David Bowie, biểu tượng tình dục và biểu tượng nhạc rock của thế kỷ 20 (tôi có viết “vì sao tây không nghe nhạc ta” có đề cập tới thiên tài âm nhạc này) đã vẽ mắt bằng bút chì cả trên sân khấu lẫn ngoài đời. Những trải nghiệm đáng chú ý nhất của loại hình này bắt nguồn từ việc phát hành album Diamond Dogs của anh ấy. Cùng khoảng thời gian đó, Iggy Pop trẻ tuổi, guru punk rock và “cha đỡ đầu của alternative rock “, đã công khai chuốt mi bằng mascara, khiến vẻ ngoài điên rồ của anh ấy càng trở nên điên rồ hơn. Theo sau Bowie, những thủ lĩnh của các ban nhạc rock danh giá của những năm 1970, The Rolling Stones và Aerosmith, bắt đầu vẽ mắt. Đôi mắt được vẽ bởi cả Mick Jagger và Keith Richards (nhân tiện, anh ấy vẫn làm vậy cho đến ngày nay, ở độ tuổi rất già), và Steve Tyler, mặc dù thực tế là không ai có thể chê trách gì về giới tính của họ, họ “sát gái” kinh khủng! Trái ngược với biểu tượng nhạc rock những năm 1980, Freddie Mercury của Queen – nghệ sĩ hào hoa này công khai là người đồng tính, và những thử nghiệm trang điểm của ông đôi khi gần như bọn chuyển giới.

Tuy nhiên, không ai có thể so sánh độ sáng của lớp trang điểm trên sân khấu với Kiss (nhóm nhạc rock): chắc chắn trong số những người hâm mộ của họ,có rất nhiều người đã gặp thần tượng của họ trên đường phố London, đơn giản là sẽ không nhận ra họ nếu không có màu đen và màu trắng, đã trở thành một phần không thể thiếu trong hình ảnh sân khấu của họ. Câu nói đùa “Tôi không nhận ra bạn khi trang điểm” trong ngữ cảnh của Kiss được hiểu hoàn toàn ngược lại.

Người đỏm dáng
Năm 0 và 10 đã bắt đầu và đang trôi qua dưới dấu hiệu của chủ nghĩa đa văn hóa và lòng khoan dung. Bất kỳ người đàn ông nào cũng có thể nuôi râu, nhuộm tóc, trang trí bằng chuỗi hạt, để đuôi ngựa hoặc cạo trọc lốc. Bạn có thể mặc áo crop top hoặc mặc quần quá bó và không ai dám buộc tội người đại diện cho giới tính mạnh mẽ hơn là bất kỳ điều gì – tất nhiên trừ khi bản thân anh ta muốn. Khuôn mặt đại diện – David Beckham, ngôi sao bóng đá của những năm 2000 – là gương mặt quảng cáo của nhiều thương hiệu khác nhau, từ xa xỉ đến bình dân. Qua đó các công ty liên quan (nhà sản xuất quần áo, phụ kiện, dụng cụ thể thao và tất nhiên, mỹ phẩm) đã giải thích cho những người đàn ông trẻ của thiên niên kỷ mới rằng hãy chăm sóc bản thân, chăm sóc cơ thể, tủ quần áo của họ, hình ảnh và cuối cùng là trang điểm của họ mà đừng xấu hổ. Đi đầu trong nỗ lực tốt này là nhà thời trang Ý Giorgio Armani (cùng với họ Beckham đã hợp tác thành công). Ngoài nước hoa dành cho nam, vốn dĩ không phải là thứ mới lạ đối với bất kỳ ai trong thế kỷ 21, nhà mốt này còn là một trong những thương hiệu xa xỉ đầu tiên tung ra mỹ phẩm hàng ngày dành cho nam giới, vốn không được thiết kế để xuất hiện tại các buổi hòa nhạc rock và trong các bar đêm. Ngoài các loại mỹ phẩm chăm sóc thông thường, dòng sản phẩm này còn bao gồm các sản phẩm trang điểm cho da và mắt, kể từ khi kẻ mắt và mascara gần như trở thành những thứ hàng ngày đối với “metrocexual” – những đàn ông điệu đà rất chăm sóc ngoại hình của mình vào những năm 2000.

Một ví dụ đã được đưa ra bởi Johnny Depp đã được đề cập. Sau khi tham gia diễn xuất nổi tiếng với vai thuyền trưởng Jack Sparrow trong Cướp biển vùng Caribe, và sau đó củng cố thành công trong The Libertine, anh chàng dị nhân Johnny bắt đầu đi lại với đôi mắt được tô vẽ và trong cuộc sống đời thường. Anh ta có lý do của điều đó: vì thị lực kém, nam diễn viên đeo kính, và trang điểm để mắt nhìn rõ hơn dưới kính. Người từng đoạt giải Oscar, diễn viên kiêm nhạc sĩ Jared Leto cũng theo chân đồng nghiệp cao cấp của mình để vẽ mắt thật sáng, không chỉ bằng eyeliner mà còn bằng bóng. Anh ấy tự trang điểm cho mình đôi mắt khói trầm để phù hợp với đôi mắt xanh xám và rất được phụ nữ trẻ yêu thích. Những người hâm mộ nghệ thuật khác của đôi mắt nhuộm màu, phấn nền và son bóng tuyệt đối bao gồm các nhạc sĩ grunge những năm 1990 Brian Molko và Billie Joe Armstrong, người đứng đầu của nhóm nhạc nữ thời đại được yêu thích AJ McLean, rapper Farrell Williams, và diễn viên điện ảnh Jeremy Renner. Tất nhiên, ngay cả trong những năm 2000 vẫn có các nhân vật đáng yêu mà việc hạn chế trang điểm không phải là một lựa chọn: cả Ozzy Osbourne và Marilyn Manson đều dùng son phấn vô tội vạ, nhưng họ là VIP thôi, hầu hết mọi người ở độ tuổi của họ kiềm chế trong mọi việc, từ trang điểm cho tới tình dục.

Đối với giới trẻ, mốt trang điểm (cũng như màu tóc không có trong tự nhiên) đến từ phương Đông: giới trẻ châu Âu, như ca sĩ chính Bill Kaulitz của Tokio Hotel nhuộm mắt theo thần tượng của các cô gái trẻ Trung Quốc và Hàn Quốc. Đá bóng giỏi và nam tính là những việc không liên quan: David Beckham từ lâu đã rời khỏi bóng đá đỉnh cao và danh hiệu không chính thức của “người đàn ông đẹp trai” chính của môn thể thao này, những khí chất này được chuyển cho Cristiano Ronaldo, người – và điều này cũng không có gì bí mật với bất kỳ ai – không chỉ đeo kim cương khuyên tai, nhưng cũng sử dụng kem tôn da.

Xu hướng trang điểm mới nhất của nam giới đi sau trang điểm của phụ nữ là chăm sóc lông mày. Nam giới không chỉ dùng phấn nền, kẻ mắt và chăm sóc cho đôi môi của họ với sự trợ giúp của son dưỡng không màu, mà còn có thể nhổ hoặc ngược lại, vẽ thêm lông mày và tạo cho chúng một hình dạng thật đậm nét. Đó là lý do mà các sản phẩm mới của dòng Boy de Chanel được dự định. Liệu chúng có trở nên phổ biến với người tiêu dùng tiềm năng hay không, liệu đàn ông có đủ kiên nhẫn để tô lông mày hay không, chỉ có thời gian tới mới trả lời được.

MỐT ĐẠO HỒI VÀ TALIBAN
Chúng ta hay khen các cô gái đạo Hồi che mạng nhưng có đôi mắt long lanh tuyệt đẹp (và quên mất rằng họ rất chứ trọng tới cặp lông mày nữa). Mắt họ đẹp ngoài nguyên nhân di truyền học ra còn phải tính đến cả cách chăm sóc “cửa sổ tâm hồn” đặc biệt của họ: đã nhiều thế kỷ này đàn bà và cả đàn ông pushtun (cũng như nhiều sắc dân Trung Á khác) đã biết dùng antimon để vẽ mắt. Đầu tiên người ta dùng như một chất khử trùng, diệt các loại virus và các sinh vật ký sinh có hại, sau này còn thấy bảo bôi vẽ mắt để tăng cường thị lực nữa (chống bụi cát, mặt trời)! Còn trẻ em vẽ mắt sẽ được thần linh bảo bọc… Truyền thống này bắt đầu từ vùng miền núi Afghanistan, người dân dùng một loại bút chì dày được làm từ chì sulfua và dầu thực vật, được sử dụng ở Tây Phi, Nam Á và Trung Đông. Phong trào sau này lan rộng khắp nơi, không chỉ dân pushtun đâu mà có lẽ khi Taliban (đa phần lúc đầu là người pushtun cầm quyền) lên nắm chính quyền thì càng nhiều người dân vẽ mắt với hy vọng như thế có lẽ đỡ bị sinh sự hơn chăng. Châu Âu nắm bắt mốt rất nhanh đã tung ra những loại mỹ phẩm thích hợp và thế là bây giờ trở nên một trào lưu rộng khắp, ra ngoài cả biên giới Afghanistan. Nhiều người còn thử liên tưởng việc kẻ mắt với thực tế là Taliban ít bị Covid-19 thật – còn phải nghiên cứu thêm tại sao nhưng không phải thánh Allah bảo bọc Taliban đến mức ấy đâu, đã có mấy thủ lĩnh phong trào Taliban phải sang Pakistan dùng tây y chữa Covid rồi.

Riêng việc vẽ lông mi đàn ông thì từ lâu đã được hoan nghênh – đó là theo gương vị thánh hiền triết Mohamed đấy. Thấy bảo dùng antimon vẽ lên lông mi thì nó mọc dài ra – thế là biểu hiện của sức mạnh đàn ông! Trên mạng của các nước đọa Hồi có thể tìm ra vô số bài hướng dẫn cách nuôi lông mi, vẽ lông mày… Nếu ở Yemen họ còn muốn tới Nhà thờ Lớn của đạo Hồi để có dịch vụ vẽ lông mi bên trong đó, sau đó tư hào về nhà với diện mạo đã được đổi thay, còn ở nhà họ tự bôi tiếp lên lông mi màu đen hoặc đỏ. Tháng Ramadan người theo đạo Hồi còn có lệ bộ vẽ lông mày, lông mi cụ thể nữa cơ!

Riêng về ăn mặc thì người đạo Hồi rất nghiêm cẩn (nhất là “đạo gốc” như Taliban tự coi như vậy), tuy vậy vẫn có “mốt” của nó đấy. Xin xem một phân tích về cách ăn mặc của tay linh Taliban thuộc diện “có điều kiện” ở trên hình. Tất cả đều là đồ hiệu, rất cụ thể và có style riêng. Tất nhiên nếu tên talib nào xuất xứ từ đứa bé chăn dê trên núi ở Afghanistan thì khó mà có tiền để ăn mặc như vậy, nhưng những tay súng Taliban gốc gác Pakistan thì chúng “thánh chiến” không phải vì nghèo đói đâu, ăn mặc thế này là chuyện rất thường! Phải nhớ một đặc tính của dân đạo Hồi: về ăn chơi và xa xỉ họ chắc chắn vượt xa tấc cả các dân tộc khác, kể cả tỷ phú Mỹ, hoàng gia Anh hay lứa giàu xổi Trung Quốc hay hoàng tộc Nhật. Có lẽ tâm lý bị cấm đoán, đè nén biết bao thế hệ chỉ có thể tìm cách thể hiện qua những đồ xa xỉ, (chẳng hạn trầm hương “xịn” của Việt Nam có bán cũng chỉ bán được sang mấy nước đạo Hồi thôi). Hãy nhớ cô cháu Noor Ben Ladan, cháu của trùm khủng bố Al Qaeda, cô đã làm mưa làm gió trên podium quốc tế, và về độ xa xỉ thì các loại Paris Hilton còn thua xa. Ngày nay các nhà mốt quốc tế rất chú trọng tới trend đạo Hồi – ngay cả các khách hàng không theo đạo Hồi cũng chạy theo mốt của giới siêu giàu này…

(Tính xa xỉ của người theo đạo Hồi không phải chỉ có ở Dubai hay Tiểu Vương quốc Ả Rập đâu, mà ở khắp nơi, miễn là có tiền… Đừng hòng thấy được họ dùng hàng fake! Còn kinh doanh hàng giả liệu hồn mà bị chặt tay hay tù lâu lắm đấy… Chẳng hạn phóng viên phương tây rất “choáng” khi thấy đội vệ sĩ của Ramzan Kadyrov – Tổng thống Chechnya – đều đeo thắt lưng và đi giày giá vài nghìn Euro, còn đồng hồ thì mấy chục nghìn Euro và đi “siêu xe” – theo cái cách người Việt Nam ta hay gọi. Họ sống như thế đấy và sẵn sàng chết bất cứ lúc nào để lên Thiên đường! Con gái Ramzan là Aishat Kadyrova làm chủ một nhà mốt tại Matxcơva…).
Quân đội Mỹ và NATO đánh nhau với Taliban mấy chục năm mà cũng chả hiểu lắm, cứ lẩn quẩn với cái việc “Taliban vẽ mặt vẽ mày thế này, ăn mặc chải chuốt thế kia… hay là chúng nó đồng tính luyến ái, thậm chí có xu hướng lạm dụng trẻ em?”. Thảo nào đánh nhau toàn thua…

NHỮNG CẤM ĐOÁN CỦA TALIBAN
Kể ra thì quân Taliban cũng rất thiếu thốn và vụng dại trong việc đối xử với nữ giới, thế nên đại diện phong trào Taliban vừa đưa ra tuyên bố kêu gọi phụ nữ Afghanistan hạn chế tuyệt đối không ra đường. Lí do: “quân linh Taliban chưa được học cách ứng xử với phụ nữ và hành động thế nào khi nữ giới có mặt. Đó sẽ là vấn đề thời gian thôi, và các khoản trợ cấp sẽ được trả cho phụ nữ ngay tại nhà họ!”. “Giãn cách phụ nữ” – có hơi giống việc bộ đội ta đi chợ thay cho các bà các cô thật…
Mới nhất hiện nay, ngoài quần áo giày dép thì quân Taliban còn khoe mẽ với nhau qua việc mặc quân phục của Mỹ, đeo kính ngắm hồng ngoại dùng ban đêm, đeo túi min… (Việt Nam mình cũng đi trước khá sớm, xưa kia có mốt mặc áo “Nato” và đeo túi mìn Claymore, đồng hồ “thủy quân lục chiến”!).
Xin nhắc lại các điều cấm đoán của Quốc vương Hồi giáo Afghanistan (cũ):
Tất cả công dân phải cầu kinh 5 lần một ngày. Nếu bị bắt quả tang làm việc khác trong những giờ quy định ấy sẽ bị trừng trị thể xác.
Tất cả đàn ông phải để râu cằm dài tối thiểu bằng một nắm tay chống ở dưới cằm. Không tuân thủ sẽ bị trừng trị thể xác.
Trẻ em trai phải đội khăn trùm đầu: từ lớp 1 tới lớp 6 màu đen, lớp trên nữa mang màu trắng. Tất cả trẻ em con trai mặc quần áo đạo Hồi. Áo sơ mi phải được cài kín cổ.
Cấm hát, nhảy mua, chơi bài, cờ, các trò đỏ đen, thả diều.
Cấm viết sách, xem phim, vẽ tranh.
Cấm nuôi vẹt. Vẹt phải bị tiêu diệt. Không tuân thủ sẽ bị trừng trị thể xác.
Bọn ăn cắp bắt được chặt bàn tay. Tái phạm sẽ chặt thêm chân.
Người không phải đạo Hồi cấm được cầu kinh mà người đạo Hồi trông thấy. Không tuân thủ sẽ bị trừng trị thể xác và cho vào tù. Ai định cải đạo cho người đạo Hồi vào các tôn giáo khác sẽ bị xử tử.
Phụ nữ:
Không ra khỏi nhà. Không đi lang thang phố phường. Chỉ ra phố khi có đàn ông là họ hàng đi kèm. Không tuân thủ sẽ bị trừng trị thể xác và bắt về nhà.
Tuyệt đối không để lộ mặt. Không ra phố nếu không đeo mạng. Không tuân thủ sẽ bị trừng trị thể xác khắc nghiệt.
Cấm dùng mỹ phẩm. Cấm đeo trang sức. Cấm ăn diện lộng lẫy.
Chỉ được nói khi có người hỏi. Cấm nhìn vào mắt đàn ông.
Cấm cười chỗ đông người. Không tuân thủ sẽ bị trừng trị thể xác.
Cấm sơn móng tay móng chân. Không tuân thủ sẽ bị trừng trị thể xác.
Trẻ em gái cấm đến trường. Tất cả các trường cho nữ đóng cửa ngay lập tức.
Phụ nữ cấm lao động. Nếu mắc tội ngoại tình sẽ bị ném đá đến chết.
Quả là Taliban quá khắc nghiệt, liệu ngày nay sẽ có gì thay đổi không xin xem tiếp phần sau!

 

FaceBook Nam Nguyen

Bài Viết Liên Quan