Các chỉ số tài chính cơ bản

Khi đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp, để có được một sự nhìn nhận tổng quát về doanh nghiệp chúng ta thường nhìn vào một số Chỉ số tài chính cơ bản như sau:

Chỉ số tổng lợi nhuận: Cho biết mức độ hiệu quả khi sử dụng các yếu tố đầu vào( vật tư, lao động) trong một quy trình sản xuất của doanh nghiệp

Chỉ số tổng lợi nhuận = (Doanh số – Trị giá hàng bán tính theo giá mua)/(Doanh số bán)

Khi chi phí lao động và chi phí nguyên vật liệu tăng nhanh, Chỉ số tổng lợi nhuận chắc chắn sẽ giảm xuống, trừ khi công ty có thể chuyển các chi phí này cho khách hàng của mình dưới hình thức nâng giá bán sản phẩm. Một cách để tìm xem các chi phí này có quá cao không là so sánh Chỉ số tổng lợi nhuận của một công ty với Chỉ số của các công ty tương đồng. Nếu Chỉ số tổng lợi nhuận của các công ty đối thủ cạnh tranh cao hơn, thì công ty cần phải thực hiện một biện pháp nào đó để có được sự kiểm soát tốt hơn đối với chi phí lao động và nguyên liệu.

Chỉ số lợi nhuận hoạt động: cho biết việc sử dụng hợp lý các yếu tố trong quá trình sản xuất kinh doanh để tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp

Mức lãi hoạt động = (Thu nhập trước thuế và lãi (EBIT))/(Doanh thu)

Tử số của Chỉ số này là thu nhập trước thuế và lãi hay chính là thu nhập tính được sau khi lấy doanh thu trừ trị giá hàng bán đã tính theo giá mua và các chi phí hoạt động (EBIT).

Chỉ số này là thước đo đơn giản nhằm xác định đòn bẩy hoạt động mà một công ty đạt được trong việc thực hiện hoạt động kinh doanh của mình. Chỉ số biên lợi nhuận hoạt động cho biết một đồng vốn bỏ ra có thể thu về bao nhiêu thu nhập trước thuế. Chỉ số lợi nhuận hoạt động cao có nghĩa là quản lý chi phí có hiệu quả hay có nghĩa là doanh thu tăng nhanh hơn chi phí hoạt động.

Chỉ số lợi nhuận ròng: Phản ánh khoản thu nhập ròng (thu nhập sau thuế) của một công ty so với doanh thu của nó

Chỉ số lợi nhuận ròng = (Lợi nhuận ròng)/(Doanh thu)

Trên thực tế mức lợi nhuận ròng giữa các ngành là khác nhau, còn trong bản thân một ngành thì công ty nào quản lý và sử dụng các yếu tố đầu vào (vốn, nhân lực..) tốt hơn thì sẽ có Chỉ số lợi nhuận ròng cao hơn.

Chỉ số thu nhập trên vốn cổ phần (ROE): phản ánh mức thu nhập ròng trên vốn cổ phần của cổ đông

ROE = (Lợi nhuận ròng)/(Vốn cổ đông hay giá trị tài sản ròng hữu hình)

Chỉ số này thường được các nhà đầu tư phân tích để so sánh với các cổ phiếu khác nhau trên thị trường. Thông thường, Chỉ số thu nhập trên vốn cổ phần càng cao thì các cổ phiếu càng hấp dẫn, vì Chỉ số này cho thấy cách đánh giá khả năng sinh lời và các tỷ suất lợi nhuận của công ty khi đem so sánh với Chỉ số thu nhập trên vốn cổ phần của các công ty khác.

Chỉ số lợi nhuận trên đầu tư (ROI): được sử dụng như là một cách thức tiện lợi để xác định mức độ ảnh hưởng của biên lợi nhuận so với doanh thu và tổng tài sản. Mục đích của công thức này là so sánh cách thức tạo lợi nhuận của một công ty, và cách thức công ty sử dụng tài sản để tạo doanh thu.

ROI = (Thu nhập ròng)/(Doanh số bán)×(Doanh số bán)/(Tổng tài sản) =(Thu nhập ròng)/(Tổng tài sản)

Theo công thức trên thì tỷ lệ "Thu nhập ròng/Doanh số bán hàng" chính là thước đo biên lợi nhuận, và đó cũng chính là chỉ số phản ánh cách thức tạo ra lợi nhuận của công ty. Còn tỷ số "Doanh số bán hàng/Tổng tài sản" thể hiện cách thức công ty khai thác nguồn lực của mình để tạo ra doanh thu. Rõ ràng nếu khả năng sử dụng tài sản của công ty là không đổi
thì Chỉ số thu nhập trên đầu tư phụ thuộc chặt chẽ vào biên lợi nhuận: tỉ suất lợi nhuận càng cao thì ROI càng cao và ngược lại. Trường hợp mức độ sử dụng nguồn lực không đổi mà vẫn có biên lợi nhuận cao phản ánh khả năng kinh doanh khéo léo của công ty: Marketing thu hút nhiều khách hàng, nắm được cơ hội bán hàng khi thị hiếu khách hàng đang tăng… Còn khi biên lợi nhuận không đổi, doanh số bán hàng càng cao thì chứng tỏ cách khai thác tài sản của công ty càng hiệu quả, và lúc đó kéo theo ROI cao.

Chỉ số giá trên thu nhập (P/E): là một trong những chỉ số phân tích quan trọng trong quyết định đầu tư chứng khoán của nhà đầu tư. Thu nhập từ cổ phiếu sẽ có ảnh hưởng quyết định đến giá thị trường của cổ phiếu đó. Chỉ số P/E đo lường mối quan Chỉ giữa giá thị trường (Market Price – PM) và thu nhập của mỗi cổ phiếu (Earning Per Share – EPS) và được tính như sau:

P/E = PM/EPS

Trong đó giá thị trường PM của cổ phiếu là giá mà tại đó cổ phiếu đang được mua bán ở thời điểm hiện tại; thu nhập của mỗi cổ phiếu EPS là phần lợi nhuận ròng sau thuế mà công ty chia cho các cổ đông thường trong năm tài chính gần nhất. P/E cho thấy giá cổ phiếu hiện tại cao hơn thu nhập từ cổ phiếu đó bao nhiêu lần, hay nhà đầu tư phải trả giá cho một đồng thu nhập bao nhiêu. P/E được tính cho từng cổ phiếu một và tính trung bình cho tất cả các cổ phiếu và Chỉ số này thường được công bố trên báo chí.

Nếu Chỉ số P/E cao thì điều đó có nghĩa là người đầu tư dự kiến tốc độ tăng cổ tức cao trong tương lai; cổ phiếu có rủi ro thấp nên người đầu tư thoả mãn với tỷ suất vốn hoá thị trường thấp; dự đoán công ty có tốc độ tăng trưởng trung bình và sẽ trả cổ tức cao. Chỉ số P/E rất có ích cho việc định giá cổ phiếu. Giả sử người đầu tư có cổ phiếu XYZ không được giao dịch sôi động trên thị trường, vậy cổ phiếu đó có giá bao nhiêu là hợp lý? Chúng ta chỉ cần nhìn vào Chỉ số P/E được công bố đối với nhóm các loại cổ phiếu tương tự với cổ phiếu XYZ, sau đó nhân thu nhập của công ty với Chỉ số P/E sẽ cho chúng ta giá của loại cổ phiếu XYZ.

Bài Viết Liên Quan

Đào Chu Công Thương Kinh

Mười tám quy tắc kinh doanh được phân chia thành ba mục cụ thể rõ ràng. VỀ CON NGƯỜI: Sinh ý yếu cần khẩn: Kinh doanh cần phải cần cù

Nguyên lý của bảo hiểm (P.6)

Vì sao mỗi chúng ta nên dành 5%-15% thu nhập của mình vào những sản phẩm BHNT phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu? Bài viết này sẽ cho

Thu nhập khi về hưu (P. 15)

Khi về hưu, nếu bạn muốn một cuộc sống tương đương, hoặc bằng 70% như hiện tại, thì bây giờ bạn phải bạn phải tiết kiệm và đầu tư. Càng