KẺ GIẤU MẶT GÂY RA SUY THOÁI KINH TẾ 2020

KẺ GIẤU MẶT GÂY RA SUY THOÁI KINH TẾ 2020 đằng sau COVID 19 LÀ AI ? ]

Không hiểu sao dạo này hình ảnh vị bác sĩ chột mắt Mike Burry ngày qua ngày nhốt mình trong văn phòng bé xíu cùng mấy bài nhạc rock lập dị cứ ám ảnh mình.
Chắc có lẽ bối cảnh hiện tại của nền kinh tế cũng có phần nào giống với bối cảnh ở Mỹ 12 năm trước.

Chơi trống một mình, không nói chuyện với ai, nghe nhạc rock, hàng ngày ghi tỷ suất lợi nhuận của quỹ Scion Capital đang quản lý lên cái bảng mika ở cửa phòng trong suốt gần 2 năm. Nó thể hiện cuộc đấu tranh tâm lý khủng khiếp khi ông thực hiện cú bán khống trị giá 1.3 tỷ $ chống lại các ngân hàng như Goldman Sachs, Morgan Stanley, Bear Stearn…

Ông bán khống từ tháng 7/2005 nhưng sau đó SP500 vẫn tăng trong cả 2006 và nửa đầu 2007 khiến quỹ của ông có lúc bị âm tới 18%, các cổ đông đòi rút vốn thậm chí kiện ông ra tòa.

hưng cuối cùng thì vị bác sĩ từng bị chê là điên rồ với một bên mắt bị hỏng đã khiến các tập đoàn tài chính lớn của thế giới quỳ xuống xin ông để được mua lại những hợp đồng bán khống đó.

Quỹ của ông lãi 130% sau khi trừ đi hết các khoản phí vào Q4.2017

Chi tiết mình nhớ nhất đó là hình ảnh ông dò từng khoản vay mua nhà trong lần lượt hàng ngàn vạn khoản vay trên khắp nước Mỹ để xem tỷ lệ chậm trả của các khoản vay này. Đức tính kiên trì có lẽ cũng là một đức tính không thể thiếu với bất cứ nhà đầu tư nào ?

Nếu bạn nào chưa thưởng thức thì nhân dịp nghỉ Tết thế này có thể xem bộ phim “ The Big Short” để biết vừa rồi tại sao mình chưa kịp bán khống nhé : ))

Trong những hội thảo hay những buổi đào tạo mình có hay đặt một câu hỏi:

“ Nền kinh tế chỉ có tăng trưởng và không bao giờ suy thoái khi nào ? ”

Hầu hết các anh chị tham gia đều không trả lời được ( hoặc ngại không muốn trả lời ) câu hỏi này.

Vậy theo bạn là khi nào?

Câu trả lời sẽ có nếu bạn kiên nhẫn đọc tiếp

Quay trở lại hiện tại, những phiên tăng điểm tích cực thời gian qua đã khiến không ít nhà đầu tư cho rằng thị trường đã tạo đáy đi lên . Dịch covid sẽ sớm kết thúc vào cuối tháng 4 đầu tháng 5, chính phủ và ngân hàng trung ương các nước đang tung ra những gói kích thích và hỗ trợ kinh tế lớn chưa từng có trong lịch sử.

Vậy “ Nếu chỉ đơn giản là dịch Covid tại sao NHTW các nước lại bơm ra một lượng tiền thậm chí lớn hơn cả lượng tiền được bơm ra vào Đại Khủng Hoảng 2008 ?” Kỳ lạ ghê !

Bản chất nền kinh tế luôn có tính chu kỳ bởi mọi thành phần trong nền kinh tế đều “ VAY NỢ”.

Bản chất vay nợ là chúng ta đang chi tiêu trước những gì mà chúng ta dùng sức lao động tạo ra ở tương lai. Đến một thời điểm nào đó chúng ta cảm thấy áp lực đòn bẩy quá cao, không trả nợ nổi thì sẽ xảy ra hiện tượng vỡ nợ, phá sản và hiện tượng domino xảy ra kéo nền kinh tế đi vào chu kỳ suy thoái.

Do vậy có khi nào nền kinh tế chỉ có tăng trưởng mà không có suy thoái không ?

Chỉ khi nào loài người quay trở về thời kỳ tiền sử và không ai vay nợ ai nhỉ 😀

Như vậy câu trả lời cho câu hỏi ở trên là các cuộc suy thoái đều có nguyên nhân từ việc “ VAY NỢ”

Nhiều người nghĩ rằng khi dịch Covid qua đi, các doanh nghiệp sẽ quay trở lại sản xuất bình thường, người dân sẽ vào các siêu thị cửa hàng và mua sắm như thời chưa có con virus này xuất hiện ?

Mình thì không nghĩ mọi chuyện đơn giản như vậy.

Harry S.Truman – Tổng thống thứ 33 của Hoa Kỳ từng định nghĩa về suy thoái và khủng hoảng:

“ Một cuộc suy thoái xảy ra khi bạn thấy anh hàng xóm bên cạnh mất việc. Một cuộc khủng hoảng xảy ra khi ngay cả bạn cũng mất đi công việc của mình”

Nguyên nhân gây ra cuộc đại suy thoái năm 2008 đến từ các khoản nợ vay mua nhà ở dưới chuẩn, những khoản vay này được núp bóng tinh vi dưới các loại chứng khoán hóa như CDO, CDS.

Vậy cuộc suy thoái lần này 2020 có nguyên nhân từ đâu?

Chắc chắn nó sẽ bắt đầu từ các khoản nợ rồi 😀

Nào chúng ta cùng nhau bắt đầu đi tìm KẺ GIẤU MẶT !

Liệu kẻ gây ra cuộc đại suy thoái năm 2008 sẽ tiếp tục lại là kẻ gây ra khủng hoảng năm 2020 ?

Khủng hoảng 2008 với nguyên nhân từ các khoản cho vay hộ gia đình (household debt) tăng đột biến. Lúc đỉnh điểm tỷ lệ các khoản vay mua nhà núp bóng dưới các loại chứng khoán hóa lên tới 97% GDP của Mỹ (hơn 12.000 tỷ $).

Đến thời điểm hết Q3.2018 con số household debt này đã vượt kỷ lục năm 2008, đạt mốc 14.000 tỷ, nhưng so với GDP thì tỷ lệ này chỉ còn 75%.

Kết quả này có được nhờ thị trường việc làm hồi phục mạnh mẽ và tiền lương người lao động Mỹ được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ này đi xuống là điều rất quan trọng vì chi tiêu của người tiêu dùng chiếm tới 70% GDP Hoa Kỳ.

Vậy hàng ngàn tỷ $ được FED bơm vào thị trường thông qua 3 gói nới lỏng định lượng QE và lãi suất thấp kể từ 2008 được chảy vào đâu?

Những kẻ giấu mặt đó sẽ là nguyên nhân gây ra cuộc suy thoái 2020 này thêm trầm trọng hay không ?

Không khó để nhận ra KẺ GIẤU MẶT ĐẦU TIÊN là các khoản nợ chính phủ của Mỹ tăng đột biến từ 2008 đến nay. Tỷ lệ Nợ chính phủ/GDP Mỹ đã tăng từ 44% cuối năm 2008 lên khoảng 77% vào 31/12/2018. Nghĩa vụ nợ chưa thực hiện của Chính phủ Mỹ tính đến 2018 lên tới 54.000 tỷ $.

Trong lịch sử, chính phủ Mỹ thường có xu hướng giảm bớt đòn bẩy khi nền kinh tế phục hồi nhưng điều đó lại không diễn ra ở trong chu kỳ này. Ở giai đoạn sau của quá trình kích thích kinh tế, các hoạt động tài khóa của chính phủ Mỹ có tác động làm tăng tỷ lệ Government Debt/GDP nhằm ưu tiên tăng trưởng ngắn hạn.

Đầu tiên, tỷ lệ nợ chính phủ cao sẽ khiến Mỹ ít có khả năng sử dụng các chính sách tài khóa như đẩy mạnh chi tiêu công, xây dựng cơ sở hạ tầng, giải ngân các khoản đầu tư để kích thích kinh tế, qua đó làm suy giảm GDP trong tương lai.

Thứ hai, điều đó cũng có nghĩa chính phủ Mỹ sẽ còn rất ít dư địa dùng chính sách tài khóa để vực dậy nền kinh tế trong thời kỳ suy thoái tiếp theo.

Tuy nhiên chính phủ là đối tượng khá đặc thù, khác với các thành phần khác trong nền kinh tế nên các khoản nợ của chính phủ sẽ dễ dàng điều tiết hơn. Mình cũng không cho rằng các khoản nợ chính phủ sẽ là nguyên nhân chính dẫn tới cuộc suy thoái lần này mà nó đến từ KẺ KHÁC.

KẺ GIẤU MẶT ĐẦU TIÊN ĐÃ LỘ DIỆN, vậy còn KẺ GIẤU MẶT THỨ HAI VÀ NGUY HIỂM NHẤT LÀ AI?

Để tìm ra hai kẻ giấu mặt này cũng tốn giấy mực ra phết. Anh chị em có thể đưa ra dự đoán của mình về kẻ thứ hai ở bên dưới nhé.

Nguồn số liệu: Dallasfed, Thesoundingline.

Ngày 14/3/2008 trong khi giá nhà đất và cổ phiếu các ngân hàng đang lao dốc, 1 trong 6 kẻ bán khống lớn nhất thời điêm đó vẫn ngoan cố chưa chịu đóng vị thế của mình – Mark Baum.

( Khác với kẻ lập dị Mike Burry ngồi điều tra từng danh sách nợ xấu, Baum thậm chí còn đi xuống tận nơi để khảo sát, nói chuyện với những người vay để xem họ vay mua nhà dễ dàng thế nào)

Không gì tuyệt vời hơn khi ngày hôm đó Mark được làm diễn giả cùng với Bruce Miller – nhà đầu cơ nổi tiếng phố Wall. Cuộc đối đầu này như thể Mohamed Ali đấu với Foreman trong giới tài chính vậy.

Thậm chí cuối buổi hội thảo này, khi hai người tranh luận xong, Alan Greenspan, một trong những đạo diễn của cuộc khủng hoảng sẽ lên phát biểu. Hấp dẫn thật !

Buổi hội thảo bắt đầu bằng việc Nhà đầu cơ nổi tiếng Bruce Miller đưa ra các lập luận xóa đi những lo lắng về ngành ngân hàng khi mà NH Bear Stern vừa nhận được khoản vay từ JP Morgan.

Khi được MC hỏi rằng như vậy ông sẽ không bán đi 200 triệu chứng khoán của mình chứ?

Bruce Miller cười khẩy nói rằng: “ Không, thực ra sau buổi hội thảo, tôi sẽ mua thêm”

Trong khi bên dưới hội trường mọi người đều lo lắng liên tục bấm điện thoại update tin tức vỡ nợ, giảm điểm của Dow Jones.
Còn Mark Baum khi được phát biểu đã đứng bật dậy và nói thẳng vào mặt Bruce Miller rằng:

“Ông là kẻ dối trá, hệ thống ngân hàng cũng đang dối trá và ngay cả Chính phủ cũng là những kẻ lừa đảo chuyên nghiệp”

“Người dân Mỹ cuối cùng mới là người phải trả giá cho chuyện này chứ không phải những kẻ trong phố Wall hay các vị ngồi chót vót trong Chính Phủ”

Bruce Miller đáp trả rằng: “ Trong toàn bộ lịch sử phố Wall chưa bao giờ có một ngân hàng đầu tư nào phá sản, trừ phi bị kết tội hình sự. Tôi tin tưởng Bear Stern sẽ đứng vững”

Nói xong câu này một bác ở dưới đứng lên:
“ Thưa ông, từ lúc ông bắt đầu nói cổ phiếu Bear Stern đã giảm hơn 38%. Ông vẫn sẽ mua thêm chứ?”

“ Tôi sẽ mua thêm, tại sao không” ? – Miller khẳng khái

Lúc này tất cả mọi người bên dưới sân khấu đều đứng lên và chạy khỏi hội trường dù MC có nhắc mới chỉ là đầu của buổi hội thảo.

Sau đó 2 ngày, JP Morgan Chase mua lại Bear Stearns với giá 2 USD/cổ phiếu.

7/9/2008, Fannie Mae & Freddie Mac được chính phủ Mỹ tiếp quản để tránh sụp đổ.

Ngày 14/9/2008, Bank of America mua lại Merrill Lynch với giá 50 tỷ USD.

Không may như Merrill Lynch, Lehman Brothers không tìm được người mua và phải đệ đơn xin phá sản ngày 14/9/2008.

Hàng loạt các doanh nghiệp tài chính lớn của Mỹ lâm vào phá sản do đòn bẩy cao và nợ xấu chồng chất.

VẬY THEO CÁC BẠN CUỘC SUY THOÁI 2020 NÀY CÓ ĐỊNH CHẾ TÀI CHÍNH NÀO PHÁ SẢN KHÔNG ?

Cùng tìm câu trả lời nhé !

Kể từ đó đến nay, nợ của các DN tài chính Hoa Kỳ đã giảm đáng kể từ mức đỉnh cao lịch sử khoảng 124% GDP vào cuối năm 2008 xuống còn 78% kể từ ngày 30/9/2018.

Tín hiệu tích cực này có được nhờ các quy định chặt chẽ và sự giám sát nghiêm ngặt của ngành tài chính Hoa Kỳ hậu suy thoái.
Nên nguyên nhân của cuộc suy thoái 2020 lần này theo mình không phải từ nợ khu vực nợ doanh nghiệp tài chính của Mỹ mà đến từ KẺ GIẤU MẶT khác.

KẺ GIẤU MẶT NGUY HIỂM NHẤT mà bạn băn khoăn bấy lâu chính là NỢ DOANH NGHIỆP PHI TÀI CHÍNH (Non-Financial Coporate Debt ) ở Mỹ. Chúc mừng các bạn dự đoán đúng ở PHẦN 1.

Tỷ lệ Nợ doanh nghiệp phi tài chính/ GDP của Mỹ hiện đã cao hơn mức đỉnh vào cuối năm 2008. Nếu các bạn quan sát hình bên dưới, tỷ lệ này giảm đáng kể sau cuộc Đại suy thoái về mốc 40%, nhưng sau đó tăng trở lại đạt mức 46% GDP vào quý 3.2018 .

Tỷ lệ gia tăng đáng kể về số nợ doanh nghiệp phi tài chính là điều rất đáng cân nhắc vì nó ảnh hưởng đén sự ổn định tài chính ở Mỹ. Đặc biệt, tỷ lệ nợ doanh nghiệp phi tài chính/GDP cao sẽ làm khuếch đại mức độ nghiêm trọng của suy thoái.

Để mình phân tích kỹ hơn cho các bạn về KẺ GIẤU MẶT này nhé:

Nợ doanh nghiệp phi tài chính Mỹ được chia làm 2 hình thức: Trái phiếu và Các khoản vay.

Trong đó thị trường trái phiếu được chia làm 2 dạng: Investment-grade Bond và High Yield Bond.

( Investment-grade Bond tức là trái phiếu loại đầu tư xếp hạng AAA, AA, A , BBB còn High Yield Bond là trái phiếu hạng trung bình như BB, B, CCC, … J,Q,K, ù đền )

Trái phiếu doanh nghiệp phi tài chính ở Hoa Kỳ đã tăng từ 2,2 nghìn tỷ đô la trong năm 2008 lên khoảng 5,7 nghìn tỷ đô la vào cuối năm 2018 (Biểu đồ bên dưới). Chủ yếu đến từ Investment-grade Bond khi khu vực này đã tăng từ 1,5 nghìn tỷ đô la trong năm 2008 lên 4,5 nghìn tỷ đô la vào cuối năm 2018.

Hơi hàn lâm chút nhưng nếu bạn kiên nhẫn đọc tiếp thì BÍ MẬT THÚ VỊ ĐẦU TIÊN VỀ KẺ GIẤU MẶT NÀY SẼ ĐƯỢC TIẾT LỘ ngay dưới đây

Các trái phiếu bây giờ cũng được nhặt thành các loại chứng khoán hóa gọi là CLO ( Collateralized loan obligations ) để bán lại cho các nhà đầu tư. Ông AAA là thịt, AA là bánh mì, A là rau thơm, BBB, BB, Equity là tương ớt, hạt tiêu, sốt mayonnaise… như vậy là thành một cái bánh mỳ kẹp hấp dẫn để bán cho nhà đầu tư.

Chứ nếu để riêng mỗi tương ớt, hạt tiêu thì rất khó bán.

Nhờ tính thanh khoản của CLOs tương đối tốt nên các DN cũng được tiếp cận với các khoản vay khá dễ dàng.

Điều đáng buồn các bạn biết là gì không?

Việc vay tiền khá dễ khiến Doanh nghiệp họ lại dùng số tiền này để mua lại cổ phiếu quỹ của mình nhằm giữ giá cổ phiếu – đặc biệt trong năm 2019 khi mà tỷ lệ mua cổ phiếu quỹ của các DN niêm yết Mỹ tăng cao kỷ lục lên xấp xỉ 1.100 tỷ $ .

Nếu không thì họ sẽ dùng tiền đó để trả cổ tức hoặc thực hiện các thương vụ M&A thay vì tập trung vào hoạt động core sản xuất kinh doanh.

Cụ Warrent Buffet đã từng nói:

“ Tôi không thích nợ và cũng không thích đầu tư vào những công ty có quá nhiều nợ, đặc biệt là nợ dài hạn. Với một khoản vay dài hạn đáng kể, chỉ cần lãi suất tăng lên một chút sẽ khiến lợi nhuận và dòng tiền của doanh nghiệp rất khó dự đoán “

Hehe các bạn thấy cái CLO này có quen không, chả khác gì CDO với CDS hồi 2008 nhỉ. Nhưng có điều ưu việt hơn năm 2008 là CLO thanh khoản hơn của các chứng khoán hóa này. (Nếu quên thì GG đọc lại bản chất của CDO, CDS nhé ^^ )

Khi các khoản vay này được trả hết, thu nhập sẽ chảy vào người mua chứng khoán CLO. Trong trường hợp vỡ nợ ở một trong các khoản vay cơ bản, cổ đông góp vốn( Equity ) là đối tượng đầu tiên bị lỗ và tất nhiên người sở hữu trái phiếu AAA sẽ là người cuối cùng bị thiệt hại.

Không giống như CDO CDS năm 2008, cấu trúc CLO tỏ ra tương đối linh hoạt. (Cấu trúc của một CLO như hình bên dưới)

Thị trường CLO của Hoa Kỳ đã tăng từ khoảng 300 tỷ đô la vào cuối năm 2008 lên 615 tỷ đô la vào cuối năm 2018. Tuy nhiên, điều quan trọng là chất lượng tín dụng cho vay CLO ngày nay được cho là yếu hơn so với 10 năm trước.

BÍ MẬT THÚ VỊ THỨ 2:

Nếu bạn nhìn vào cơ cấu xếp hạng tín nhiệm các trái phiếu từ 2008 đến nay ở hình dưới các bạn nhận ra điều gì?

(Cứ xem đi đã rồi hãy đọc tiếp nhé. Covid thì cứ sống chậm thôi)

Đó là sự gia tăng đáng kể các trái phiếu BBB

(TP BBB vẫn được xếp hạng là Investmen Grade Sector nhưng nó nằm ở lằn ranh mong manh với High Yield Bond – Trái phiếu trung bình ).

Mình cũng không thực sự tin việc xếp hạng tín nhiệm này trung thực 100% vì nếu bạn đã từng xem bộ phim “ Inside Job” thì thấy các công ty xếp hạng tín nhiệm nổi tiếng như Fannie Mae và Freddie Mac đều bị mua chuộc để biến “Shit” thành “Gold”

(Đấy, lại giới thiệu thêm một bộ phim hay cho bạn xem mùa dịch)

Trong trường hợp nền kinh tế suy thoái, các công ty mắc nợ cao sẽ dễ bị tổn thương hơn khi thấy chất lượng tín dụng của họ xấu đi. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kế hoạch chi tiêu và vay vốn của họ.
Và các trái phiếu BBB hoàn toàn có thể nhẩy sang trái phiếu hạng BB, và đương nhiên khoản vay đó cũng bị chuyển từ Investmen Grade Sector sang High Yield nhanh chóng.

NHƯ VẬY KẺ GIẤU MẶT THỨ 2 VÀ NGUY HIỂM NHẤT mà mình muốn nhấn mạnh chính là những khoản nợ ngày càng cao của khối doanh nghiệp phi tài chính Mỹ.

Nợ công ty tăng cao, cùng với đòn bẩy khủng khiếp của chính phủ sẽ làm cho nền kinh tế Hoa Kỳ nhạy cảm với lãi suất hơn nhiều so với lịch sử.

Và chỉ cần một cú Trigger ( Bóp cò ) thì hiện tượng vỡ nợ hàng loạt sẽ xảy ra với tỷ lệ đòn bẩy siêu cao của nền kinh tế lúc này. Cú Trigger đó chính là dịch Covid lần này, nó làm sụt giảm cả tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế theo chiều thẳng đứng.

Mà nếu không có Covid thì cũng sẽ lại có một trigger khác như Leahman Brother 2008 mà thôi. Chẳng qua cái con virus này nó kéo bóng đêm đến phủ nhanh hơn tương lai của bạn 😀.

Một cuộc khảo sát gần đây ở Mỹ cho thấy tỷ lệ dự trữ tiền mặt trung bình của các doanh nghiệp vừa và nhỏ SMEs chỉ là 27 ngày. Vậy sau 27 ngày thì sao?

Vũ Hán cách ly xã hội đến 2 tháng và bây giờ mọi hoạt động vẫn chưa thể trở lại bình thường.

Hiện tại mình vẫn chưa thấy doanh nghiệp lớn nào ở Mỹ tuyên bố phá sản như Bear Stearns, Fannie Mae Freddie Mac hay Merrill Lynch … của 2008.

Theo các bạn thì sắp tới có không?

Hay là sau dịch mọi thứ quay trở lại bình thường và không có chuyện gì xẩy ra?

Cám ơn bạn đã kiên trì đọc đến dòng này, để tìm ra kẻ giấu mặt quả là không đơn giản chút nào nhỉ ?

P/S: Vẫn còn một KẺ NGUY HIỂM cực lớn ở bên ngoài nước Mỹ nữa có thể sẽ khiến cuộc suy thoái thêm trầm trọng bạn có muốn mình chia sẻ tiếp không?

Nguồn số liệu: Fred, Feddallas

Câu chuyện được diễn ra trong thời kỳ cải cách của Trung Quốc những năm 1960
Các nhà làm chính trị Trung Quốc hồ hởi dẫn một nhà kinh tế học nổi tiếng người Mỹ tham quan công trình đào mương thoát nước phục vụ tưới tiêu.
Khung cảnh đại công trường lúc đó thật là ấn tượng. Hàng ngàn công nhân nối nhau, dùng xẻng hất từng khối đất lên khỏi đoạn mương trải dài vài km.
Không khí thật tấp nập và nhộn nhịp nhưng không hiểu sao nhà kinh tế người Mỹ lại cau mày khó hiểu.
Ông hỏi:
“ Không khí làm việc của các bạn thật khẩn trương và tuyệt vời”
“ Nhưng tôi không hiểu sao các bạn lại không dùng máy xúc để làm việc này?”
Nhà cải cách người Trung Quốc hồ hởi đáp lại:
“ Chúng tôi làm như vậy để tận dụng sức lao động và tạo công ăn việc làm cho mọi người”
Nhà kinh tế học người Mỹ trả lời:
“ Vậy sao các bạn không dùng thìa mà đào ?”
….
Kể từ những ngày kinh tế hợp tác xã đó đến nay, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đã tăng từ mức đứng sau cả Campuchia lên hơn 150 lần. Tổng GDP đã đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ.
( Mối đe dọa này đã khiến Trump khi vừa nắm quyền đã phải khơi mào Trade War phải không nhỉ ? )
Để có được thành công này là do những cải cách vào cuối những năm 1970 của một vị chính trị gia đại tài.
Người chưa bao giờ nắm giữ một chức vụ tối cao nào của Trung Quốc – Đặng Tiểu Bình. Vị lãnh đạo “ Mèo trắng mèo đen” đã có quyết định đột phá là cho phép nền kinh tế thị trường, kinh tế tư nhân được phát triển thay vì phụ thuộc kinh tế nhà nước.
Một số bước đi quyết liệt của chính quyền Trung Quốc như:
Chính sách 1 con năm 1979, thành lập các đặc khu kinh tế làm đầu tầu kinh tế như Thẩm Quyến 1980, mở sàn chứng khoán đầu tiên dưới chế độ XHCN tại Thượng Hải 1990, nhận lại Hong Kong từ Anh 1997, gia nhập WTO 2001.
Ngày nay, trong khi các doanh nghiệp nhà nước vẫn đóng góp lớn cho kinh tế của Trung Quốc thì các doanh nghiệp tư nhân cũng đã chiếm hơn một nửa GDP.
Giờ nhắc đến tỷ phú $ của Trung Quốc chắc bạn cũng đọc vanh vách được Jack Ma của Alibaba hay Pony Ma của Tencent rồi nhỉ.
Sự quyết liệt này được thể hiện rõ trong câu nói của Đặng Tiểu Bình:
“Nghèo đói không phải là chủ nghĩa xã hội, cùng nhau giàu có mới là vinh quang”
Nhưng CHÍNH SÁCH KINH TẾ quyết liệt nhất trong thập kỷ vừa qua của anh hàng xóm này đố bạn là gì?
Và đó có phải người MẸ ĐẺ của KẺ GIẤU MẶT THỨ 3 mà mình đề cập trong phần này hay không?
Kiên nhẫn đọc tiếp nhé 📷
Vài tháng sau cuộc khủng hoảng 2008, 20 triệu công nhân làm việc trong các ngành xuất khẩu của TQ mất việc. Chính phủ Trung Quốc không có cách nào khác là bơm 586 tỉ USD giải cứu nền kinh tế.
Nhưng chưa dừng ở đó, nếu bạn nhớ lại cú sốc tỷ giá và chứng khoán năm 2015 của Trung Quốc. Tháng 8.2015, PBOC đã phá giá đồng NDT khiến thị trường toàn cầu “chao đảo”.
Mình nhớ năm đó VND cũng đã mất giá 5,6% so với USD, Vnindex cũng rung lắc rất mạnh.
Trước đó 2 tháng vào mùa hè, sàn chứng khoán Thượng Hải cũng bị bốc hơi 5.000 tỷ $ vốn hóa.
Và từ khóa tìm kiếm thịnh hành nhất lúc đó trên GG là “ Kinh tế Trung Quốc sụp đổ”
PBOC lại tiếp tục bơm 580 tỷ $ ra thị trường.
Ồ kỳ lạ thay, việc bơm tiền này dường như là một chìa khóa thần kỳ để chấm dứt khủng hoảng và duy trì tăng trưởng. Trung Quốc lại tiếp tục duy trì tăng trưởng dựa trên bàn đạp là bơm tiền tăng nợ.
Kết quả, tỷ lệ NỢ/ GDP của Trung Quốc đã tăng từ 170% năm 2007 lên 300% năm 2019 ( hình bên dưới ).
Theo Bloomberg, nợ chính phủ và tư nhân của Trung Quốc hiện lên đến 34.000 tỷ USD, đây là “QUẢ BOM NỢ” có thể đe dọa cả nền kinh tế thế giới.
Phần lớn số tiền này chảy vào các tập đoàn tài chính, đặc biệt là các công ty nhà nước và chính quyền địa phương. Mục đích để thúc đẩy tăng trưởng bằng biện pháp xây dựng hạ tầng.
Hậu quả là nguồn cung hạ tầng trở nên thừa mứa, vượt xa nhu cầu.
Nếu nhìn vào cơ cấu nợ 2019 dễ dàng thấy được nợ của những doanh nghiệp phi tài chính ( Non – financial Coporates ) đã chiếm đến hơn ½ tổng nợ và đã hơn 150% GDP Trung Quốc. Nợ hộ gia đình của Trung Quốc mặc dù chỉ chiếm khoảng 18% nhưng nếu bạn tinh ý sẽ thấy nó tăng phi mã kể từ 2008
Thế là trong cơ cấu nợ của Trung Quốc hiện nay chúng ta thấy thấp thoáng bóng dáng của cả 2 kẻ thủ ác:
Một kẻ gây ra khủng hoảng nợ dưới chuẩn Mỹ năm 2008 là Household debt và 2 là kẻ có thể gây ra cuộc suy thoái 2020 này là Non – financial coporate debt như mình phân tích ở Phần 2 ( thú vị đây )
Thế cứ có dấu hiệu suy thoái là chính phủ có thể bơm tiền ra để “ hạ cánh mềm” và tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế?
Điều hành vĩ mô dễ thật nhỉ?
Bạn còn nhớ ở Phần 1 trong chuỗi bài viết này mình có nói rằng:
“ Bản chất của vay nợ là đang chi tiêu trước những đồng tiền kiếm ra ở tương lai”.
Đến một ngày đẹp trời nào đó người đi vay cảm thấy không thể nào trả nổi số tiền đó.
Và “ BÙM”
Quả bom nợ được kích nổ, domino phá sản xảy ra và dù có bơm thêm tiền vào cũng không thể giải quyết được hậu quả.
Mọi thứ vẫn phải quay về điểm cân bằng đó là năng suất lao động chứ không phải tăng trưởng nóng dựa trên vay nợ.
Ông càng bơm tiền thì nợ xấu càng nhiều và quả bóng nợ càng phình to mà thôi.
Quay trở lại năm 2015 Trung Quốc không “ Vỡ trận” theo mình có thể do đặc thù của nước này có thể kiểm soát mọi thành phần trong nền kinh tế chứ chưa hoàn toàn là kinh tế tự do như những nước tư bản.
Đặc biệt là Chính phủ Trung Quốc đều nắm những ngân hàng lớn và các công ty lớn ở trong nước nên việc điều hành chính sách theo kiểu” Đóng cửa bảo nhau” có thể giải quyết được việc giãn nợ, hoãn nợ xấu tại Trung Quốc thời điểm đó.
Mình nhớ có một thống kê rằng các khoản nợ xấu tại Trung Quốc 2015 đã chạm mốc 5,5%. Khoảng 40% số nợ mới là phần nợ lãi vay của các khoản vay hiện tại.
Thế những khoản nợ xấu đó sẽ được các “ảo thuật gia” trong chính quyền Trung Quốc “ hô biến” bằng “phép màu” bơm tiền ?
Không
Bản chất là những khoản nợ xấu đó vẫn nằm trong bảng cân đối của hệ thống ngân hàng. Chẳng qua bơm tiền là liều thuốc “ mooc phin’ giúp nền kinh tế giảm đau và cho các “ bệnh nhân” một cái chết “ nhân đạo “ mà thôi.
Nhin vào biểu đồ GDP của Trung Quốc có thể thấy tốc độ tăng trưởng từ 2015 (6.9%) đến nay đã yếu dần và cuối 2019 chỉ đạt 6.1% ( thấp nhất trong gần 30 năm qua ).
Bạn có thấy giống đồ thị nhịp tim của người sắp qua đời không?
2015 Trung Quốc có thể xử êm được vì vẫn còn kiểm soát được vấn đề trong nước. Nhưng thời điểm này có hai yếu tố mà Trung Quốc không thể kiểm soát được:
– Một là yếu tố bên ngoài tác động. Chiến tranh thương mại được Mỹ khởi xướng vì đã dè chừng. Với quốc gia có 40% GDP phụ thuộc xuất khẩu như Trung Quốc thì đây thực sự là vấn đề lớn.
– Hai là dịch bệnh Covid đang hoành hành, tổng cung tổng cầu đều bị rớt cái bụp. Khiễn cho hàng loạt các doanh nghiệp điêu đứng.
Chỉ cần hai điều này thôi đã khiến nợ xấu của các doanh nghiệp và hộ gia đình Trung Quốc chồng chất lại thêm chất chồng.
Năm 2019 làn sóng vỡ nợ trái phiếu nổ ra kỷ lục ở Trung Quốc
Theo bạn… lần này “ Ảo thuật gia” xài “phép cũ” bơm tiền liệu có còn linh nghiệm hay không?
Theo mình thì bơm chứ bơm nữa cũng vẫn sẽ suy thoái mà thôi.
Tại sao mình lại cho rằng “ KẺ GIẤU MẶT THỨ 3” này là núi nợ của Trung Quốc mà không phải cái gì khác. Vì bạn cũng biết Trung Quốc giờ là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, quy mô hệ thống ngân hàng của nước này giữ vị trí số 1, với tổng tài sản tương đương 40% GDP toàn cầu. TTCK nước này, ngay cả sau cú sốc “sập sàn” hồi 2015, vẫn có tổng trị giá lên tới gần 9000 tỷ USD, đứng thứ hai thế giới sau Mỹ và thị trường trái phiếu Trung Quốc cũng là thị trường lớn thứ ba thế giới.
Nếu lần này quả bong bóng được chích nổ, theo bạn sẽ ra sao?
Nguồn dữ liệu: BIS, Deutsche Bank, Cục thống kê QG Trung Quốc.
Nguồn: Lynch Phan – 

Bài Viết Liên Quan

Dạy con về tiền bạc (P. 16)

Kiến thức về quản lý tiền bạc, một trong những việc khó khăn và quan trọng nhất của cuộc sống, chưa được dạy trong trường học. Muốn con thành công