Những nguyên tắc kiếm tiền, tiết kiệm tiền, bảo vệ tiền và đầu tư tiền (P.11)

Người ta thường nói kiếm tiền thì khó chứ sử dụng tiền thì dễ, ai cũng biết cách sử dùng tiền. Thật ra thì câu đó không đúng. Kiếm tiền đã khó. Sử dụng tiền một cách thông minh, hợp lý để đạt mục tiêu tài chính còn khó hơn.

KIẾM TIỀN

Có nhiều phương cách, nhiều nghề để kiếm tiền. Một cách tổng quát, tác giả cuốn sách “Cha giàu cha nghèo”, Robert Kiyosaki chia ra chúng ta ra làm 4 nhóm chính theo tính chất công việc, như sau:

Nhóm 1: Nhân viên, quản lý. Nhóm này dùng công sức, thời gian và trí tuệ để làm ra tiền.

Nhóm 2: Tự do, freelance, tự làm chủ. Nhóm này cũng dùng công sức, thời gian và trí tuệ để làm ra tiền. Khác với nhóm 1 là làm việc cho người khác, nhóm 2 làm việc cho chính mình.

Nhóm 3: Doanh nhân, chủ doanh nghiệp. Trước khi trở thành doanh nhân, thì chúng ta phải khởi nghiệp, hay may mắn hơn là được trao nghiệp từ cha mẹ. Nhóm chủ doanh nghiệp này dùng ý tưởng kinh doanh, hệ thống (con người), và trí tuệ để làm ra tiền.

Nhóm 4: Nhà đầu tư. Nhóm này dùng tiền, và trí tuệ để làm ra nhiều tiền hơn. Nhóm này nghiên cứu sâu và đầu tư chuyên nghiệp để kiếm tiền và làm giàu.

Quản trị Tài chính cá nhân sẽ có bài đi sâu về từng nhóm nghề nghiệp này, cũng như những công việc đặc biệt khác.

Tác giả Robert Kiyosaki có quan điểm khá cực đoan về việc làm giàu. Ông cho rằng muốn giàu có, tự do tài chính, chúng ta phải thuộc về nhóm 3 hay nhóm 4.

Tuy vậy, như những tác giả khác, bản thân tôi cho rằng, nhóm nào cũng có giá trị với xã hội, và bất kỳ người ở nhóm nào cũng có thể đạt mức sống mà mình muốn, trở nên độc lập về tài chính, và hướng tới tự do tài chính nếu biết cách “Kiếm tiền, tiết kiệm tiền và đầu tư tiền”.

Những nguyên tắc kiếm tiền, tiết kiệm tiền, bảo vệ tiền và đầu tư tiền để đạt mục tiêu tài chính, bất cứ ai cũng có thể áp dụng (P.11) - Ảnh 1.

TIẾT KIỆM TIỀN VÀ SỬ DỤNG TIỀN

Người ta thường nói kiếm tiền thì khó chứ sử dụng tiền thì dễ, ai cũng biết cách sử dùng tiền. Thật ra thì câu đó không đúng. Kiếm tiền đã khó. Sử dụng tiền một cách thông minh, hợp lý để đạt mục tiêu tài chính còn khó hơn.

Nguyên tắc đầu tiên của sử dụng tiền là TIẾT KIỆM.

Đa số chúng ta đều quan niệm sai lầm về tiết kiệm. Khi có thu nhập, chúng ta thường sử dụng tiền theo ý muốn của mình, và cố gắng cắt bớt chi tiêu để tiết kiệm. Người nào nào giỏi hơn thì có kế hoạch, phân bổ tiền về các quỹ tài chính, và tìm cách cắt giảm các khoản chưa cần thiết từ các quỹ không quan trọng, để đưa tiền vào quỹ tiết kiệm/đầu tư. Làm như vậy nghe có vẻ đúng, nhưng thật ra chưa đúng.

Người quản trị tài chính cá nhân tốt là người tiết kiệm trước khi sử dụng, tiết kiệm trước khi phân bổ về các quỹ khác. Mỗi khi có tiền thì giữ lại ngay 5% – 15% để đưa vào quỹ “tài chính cá nhân”. Số còn lại phân bổ mới phân bổ vào các quỹ như: quỹ nhu cầu thiết yếu, quỹ chi tiêu mua sắm, quỹ đào tạo, quỹ giao tiếp, quỹ du lịch…

Sẽ có người nói tiền chi tiêu của tôi sát lắm rồi. Không thể nào tiết kiệm được 5% hay 15%.

Nhận định như thế là chưa đúng. Quản trị tài chính cá nhân cho rằng chỉ khi nào chúng ta đang sống với chế độ tối thiểu: chỉ kiếm đủ tiền để ở, ăn uống, đi lại với mức thấp nhất và không còn dư đồng nào, thì chúng ta mới không thể tiết kiệm được. Còn nếu chúng ta vẫn có thể đi ăn ngoài, nhậu nhẹt, uống cà phê, mua sắm… thì chúng ta vẫn còn “dư địa” để tiết kiệm được. Đừng chần chừ, hãy cất ngay 10% khi nhận được tiền và cắt các khoản còn lại bằng cách sắp xếp chúng theo theo thứ tự quan trọng và cần thiết.

Còn nếu chúng ta không muốn cắt bất cứ khoản chi tiêu hiện tại nào của mình, thì hãy kiếm thêm 10%-15% đó, bằng cách làm việc thông minh hơn (work smarter), hoặc làm việc chăm chỉ hơn (work harder). Thế giới 4.0 đem tới cho chúng ta rất nhiều cơ hội để làm có thể làm thêm và kiếm thêm tiền. Quan trọng là chúng ta có nỗ lực hay không?

Khi chúng ta đủ kỷ luật để đưa bản thân vào thế tiết kiệm bắt buộc, tiết kiệm chủ động như thế, chúng ta sẽ bắt đầu có tiền tiết kiệm đều đặn. Chúng ta sẽ tiết kiệm được 12 triệu một năm (1 triệu một tháng) nếu chúng ta có thu nhập 10 – 15 triệu/tháng, 24 triệu một năm nếu chúng ta có thu nhập 20-30 triệu/ tháng, 36 triệu một năm nếu chúng ta có thu nhập 30-40 triệu/ tháng, 48 triệu một năm nếu chúng ta có thu nhập 40-60 triệu/ tháng. Đây là số tiền chúng ta sẽ đem đi đầu tư để đạt được mục tiêu tài chính cá nhân của mình.

Những nguyên tắc kiếm tiền, tiết kiệm tiền, bảo vệ tiền và đầu tư tiền để đạt mục tiêu tài chính, bất cứ ai cũng có thể áp dụng (P.11) - Ảnh 2.

BẢO VỆ TIỀN

Chúng ta kiếm tiền và tiết kiệm tiền không dễ dàng gì, thì phải bảo vệ tiền, từ những nguy cơ làm mất, giảm tiền của chúng ta.

Không bị mất tiền vào những dự án đầu tư cam kết tỷ suất lợi nhuận quá cao. Hiện nay có rất nhiều dự án đầu tư có tính lừa đảo kiểu như: “OneCoin”, “Skymining”, hoặc rủi ro rất cao những mô hình bất động sản “Cho thuê kỳ nghỉ”, “Mô hình nhà tiền chế, thuê – xây dựng – cho thuê”, những hình thức “ủy thác đầu tư” vào chứng khoán phái sinh, chứng khoán nước ngoài, forex, những quỹ ủy thác… cam kết tỷ suất lợi nhuận 30% – 100%/năm…Những mô hình này không chóng thì muộn sẽ thất thủ vì nó vi phạm nguyên tắc “Không có 1 bữa trưa miễn phí nào cả”. Tiền chúng ta dành dụm được sẽ nhanh chóng biến mất theo những dự án này.

Không để mất tiền khi tham gia đầu tư như là nhà đầu tư chuyên nghiệpBài 2 có nói rõ, nếu chúng ta thuộc nhóm 1,2,3 thì chúng ta là những nhà đầu tư nghiệp dư. Chúng ta không nên tham gia những kênh đầu tư chuyên nghiệp như: trading (kinh doanh, đầu cơ ngắn hạn) cổ phiếu, ngoại tệ, vàng trên các sàn, những sản phẩm BĐS phức tạp. Nói tóm lại, những gì mà chúng ta, nhà đầu tư nghiệp dư, không hiểu rõ về nó thì không nên đầu tư.

Không bị mất tiền vì dùng tiền tài chính cá nhân để khởi nghiệp, kinh doanh và đầu tư. Chúng ta phải tách tiền, tài sản dành cho cá nhân và gia đình chúng ta, gọi là tiền “tài chính cá nhân” ra khỏi tiền, tài sản của vai trò doanh nhân, đầu tư. Tách hẳn ra, khoản nào ra khoản đó. Nhiều người cứ nhập lại chung, đặc biệt là trong khởi nghiệp. Đành rằng, muốn khởi nghiệp thành công thì chúng ta phải có quyết tâm rất cao, phải tận lực. Nhưng khởi nghiệp với tinh thần “All in”, đưa tất cả tài sản, thậm chí vay mượn cá nhân vào khởi nghiệp là rất rủi ro. Tỷ lệ khởi nghiệp thành công là 1/10. Ai giỏi thì đạt tỷ lệ 5/5, 6/4, hoặc cao lắm là 7/3. Bây giờ nếu ta dồn hết mọi thứ vào khởi nghiệp thì xem như ta đặt cược tương lai của bản thân, tương lai của gia đình vào cuộc chơi mà chúng ta không chắc thắng 100%.

Bảo vệ tiền để không bị mất vì dùng đòn bẩy nợ quá cao. Nhiều người tính quá sát số lãi phải trả. Ví dụ như một gia đình thu nhập 60 triệu, tiết kiệm cho tài chính cá nhân 10 triệu, chi phí các thứ 30 triệu, còn lại 20 triệu. Gia đình đó không nên dùng hết số tiền 20 triệu này để trả góp hàng tháng cho việc mua nhà. Dùng khoản 12-15 triệu/tháng là vừa đẹp. Việc này nhằm đề phòng rủi ro lãi suất cho vay bị tăng cao theo lãi suất cơ bản của hệ thống ngân hàng, trong trường hợp xảy ra lạm phát, cũng như bị giảm thu nhập khi xảy ra những rủi ro kiểu như Cô Vi 19. Khi đó chúng ta không thể trả lãi theo thời hạn. Nhiều lần chậm trả nợ, ngân hàng sẽ phát mại tài sản của chúng ta.

Không để mất tiền vì lạm phát. Lạm phát được định nghĩa là sự tăng mức giá chung một cách liên tục của hàng hóa và dịch vụ theo thời gian và là sự mất giá trị của một loại tiền tệ nào đó. Lạm phát cũng có tác dụng kép, giống như lãi suất kép. Ví dụ mỗi năm lạm phát là 3%, thì sau 10 năm, 100 triệu chỉ có giá trị, sức mua tương đương với 65 triệu. Nếu là lạm phát 5%, thì sau 10 năm, 100 triệu chỉ có giá trị tương đương với 37 triệu. Như vậy nếu chúng ta cất tiền mặt ở nhà như cách ông bà chúng ta làm thì chúng ta sẽ bị mất tiền. Cách chống lạm phát tốt nhất là đầu tư để tiền sinh sôi nảy nở với tỷ suất sinh lợi cao nhất có thể, và với mức rủi ro co thể quản lý được.

Không để mất tiền khi gặp những rủi ro về bệnh tật, tai nạn và tử vong, bằng cách mua bảo hiểm nhân thọ. Khi có rủi ro không mong muốn xảy ra, chúng ta hay gia đình chúng ta sẽ được thụ hưởng số tiền lớn bằng với số tiền ta phải làm trong nhiều năm. Mời các bạn xem lại bài 6 về về BHNT.

Những nguyên tắc kiếm tiền, tiết kiệm tiền, bảo vệ tiền và đầu tư tiền để đạt mục tiêu tài chính, bất cứ ai cũng có thể áp dụng (P.11) - Ảnh 3.

ĐẦU TƯ TIỀN

Bài 1 “Tiết kiệm đều đặn hằng tháng và đầu tư số tiền này, sau một thời gian bạn sẽ có cả gia tài!”cho chúng ta thấy số tiền mà chúng ta nhận được trong tương lai, cho mục tiêu tài chính cá nhân của mình phụ thuộc vào 3 yếu tố:

1) Số tiền ta tiết kiệm được hàng tháng, hàng năm;

2) Số thời gian thực hiện;

3) Tỷ suất sinh lợi.

Các yếu tố này càng lớn thì số tiền ta nhận được càng cao. Đặc biệt là thời gian. Thời gian càng lâu thì tiền càng sinh sôi.

Ví dụ:

12 triệu một năm, tỷ suất sinh lợi 8%, sau 10 năm là: 187 triệu, sau 20 năm là 593 triệu, sau 30 năm là 1,4 tỷ

36 triệu một năm, tỷ suất sinh lợi 12%, sau 10 năm là 823 triệu, sau 20 năm là 2,9 tỷ, sau 30 năm là 9,7 tỷ.

Vì thế chúng ta cần thực hiện việc tiết kiệm và đầu tư càng sớm càng tốt.

Dưới đây là các công cụ đầu tư dành cho nhà đầu tư nghiệp dư:

CÁC CÔNG CỤ, SẢN PHẨM CÓ THỂ CHIẾM 5%-15% DANH MỤC

Tiền gởi ngân hàng thời hạn 1 năm trở lên có tỷ suất sinh lợi: 6,5%-8%/năm. Trong tương lai có thể còn thấp hơn. Với quyết tâm giữ vững hệ thống tài chính, chưa cho phá sản ngân hàng của Nhà nước Việt Nam, thì tiền gởi vào các ngân hàng tại Việt Nam có rủi ro khá thấp.

Đầu tư vàng dài hạn, tỷ suất sinh lời: 8% – 9%/năm. Tuy vậy việc đầu tư vào vàng, chúng ta nên quan tâm đến việc cất giữ. Rủi ro về tỷ suất sinh lợi và thanh khoản thấp, nhưng rủi ro bị mất trộm có thể cao!

Sản phẩm phẩm BHNT truyền thống có tỷ suất sinh lợi trung bình, chưa kể các lợi ích bảo hiểm, từ 4,5%-7%/năm

Sản phẩm BHNT liên kết đầu tư có tỷ suất sinh lợi trung bình, chưa kể các lợi ích bảo hiểm, từ 6,5% – 10%/năm.

Trái phiếu doanh nghiệp. Tỷ suất sinh lợi từ 8%-12%/năm. Nhà đầu tư cần xem xét về uy tín của doanh nghiệp và các cổ đông chính trước khi mua. Và cũng chỉ nên mua trái phiếu thời hạn 1 năm.

Chứng chỉ quỹ đầu tư đại chúng có tỷ suất sinh lợi trung bình 8-13%/năm, tùy quỹ.

HAI CÔNG CỤ NÀY NÊN CHIẾM 50%-70% DANH MỤC ĐẦU TƯ

Bất động sản. Kênh này, theo các chuyên gia về BĐS là nếu có kiến thức, biết lựa chọn sản phẩm, biết chờ đợi thì nhà đầu tư có thể đạt 12%-20% /năm trong thời gian dài hạn, với mức rủi ro nhất định. Tôi sẽ viết riêng 1 bài sau khi thu thập đủ ý kiến của các chuyên gia về Bất động sản.

Đầu tư cổ phiếu dài hạn. Đây là kênh đầu tư cần được khuyến khích, vì nó giúp cho các doanh nghiệp, giúp cho nền kinh tế, và nó cũng có tỷ suất sinh lợi khá tốt. Tính đến cuối năm 2019, trong gần 20 năm qua, thị trường chứng khoán (tính theo chỉ số VNIdex), có tỷ suất sinh lợi trung bình = 11,5%/năm. Nếu tính cả cổ tức thì tỷ suất sinh lợi của thị trường nằm ở khoảng 12%-12,5%, Trong đó có khá nhiều cổ phiếu đạt tỷ suất sinh lợi 15%-25%/năm, thậm chí có những cổ phiếu đạt mức 25%-35%/năm.

Nhà đầu tư có 2 cách để lựa chọn cổ phiếu cho đầu tư dài hạn: 1) chọn những cổ phiếu có tỷ suất sinh lời tốt, rủi ro thấp (tỷ suất sinh lợi ít biến động), và tạo danh mục gồm 5-9 cổ phiếu để giảm rủi ro. 2) nghiên cứu kỹ một vài cổ phiếu “chất lượng”, đang có thị giá thấp hơn giá trị nội tại. Mùa này cô Vi đang làm mọi người sợ hãi, đẩy giá cổ phiếu xuống thấp, nhà đầu tư ngắn hạn rất khó khăn nhưng lại tạo cơ hội bằng vàng để chúng ta đầu tư dài hạn vào những cổ phiếu giá trị, những cổ phiếu có tỷ suất sinh lợi cao trong dài hạn. Đầu tư dài hạn, theo 1 trong hai cách tôi nói bên trên, nhà đầu tư có thể nhận được tỷ suất sinh lợi trung bình: 12%/năm – 20%/năm.

Tôi sẽ viết những bài tiếp theo hướng dẫn chi tiết để nhà đầu tư hiểu sâu sắc về việc đầu tư cổ phiếu giá trị trong dài hạn. Khi đó nhà đầu tư cá nhân, nghiệp dư có thể tự mình thực hiện việc đầu tư này, hoặc sẽ rất tự tin khi được các nhà tư vấn, môi giới tư vần về đầu tư.

Bài viết nằm trong series “Quản trị tài chính cá nhân” thể hiện quan điểm của tác giả Lâm Minh Chánh.

Xem tiếp: Nên Vay Tiền Mua Nhà Hay Là Thuê Nhà Và Để Tiền Đầu Tư? (P.12)

Bài Viết Liên Quan

Xác suất và cờ bạc

Tôi còn nhớ khi mình học năm ba đại học, ông thầy dạy môn phái sinh của tôi từng đưa ra một ví dụ về trò gieo xí ngầu nhằm